OPEC+ đang xem xét tổ chức cuộc họp trực tuyến vào ngày 4/6, sớm hơn dự định ban đầu, nhằm quyết định việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm một thời gian nữa.
Theo trang Oilprice, các báo cáo mới nhất cho thấy, thỏa thuận giảm sản lượng được kì vọng sẽ kéo dài thêm 1 - 3 tháng nữa. Trong trường hợp không được gia hạn, thỏa thuận giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày sẽ hết hạn vào cuối tháng 6.
Thực tế, Ả Rập Xê-út muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm cho đến cuối năm nay, trong khi Nga lại bày tỏ thái độ miễn cưỡng.
Reuters dẫn lời một nhà cung cấp dầu mỏ ở Nga cho biết: "Chúng tôi có thể kéo dài thỏa thuận thêm 1-2 tháng nữa, nhưng nửa năm thì không thể".
Việc cắt giảm sản lượng lớn nhất lịch sử đã thành công trong việc kéo thị trường dầu mỏ khỏi cuộc khủng hoảng hoàn toàn. Đến nay, giá dầu thô đã phục hồi lên mức trên 30 USD/thùng từ mức âm trong tháng 4.
Trong khi đó, sản lượng dầu ở Mỹ đã giảm ít nhất 1,6 triệu thùng/ngày, tương đương 12% chỉ sau hơn hai tháng.
Quyết định duy trì việc cắt giảm sản lượng cũng sẽ ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khác, mặc dù không rõ nó có tác động tích cực đến giá dầu hiện tại hay không.
Các chuyên gia tại JBC Energy mới đây nói rằng: "Thực tế giá dầu thô không có quá nhiều biến động trước kì vọng thỏa thuận giảm sản lượng được gia hạn. Điều này cho thấy thị trường vốn đang rất tích cực".
Nga có thể không muốn gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng thêm một hoặc hai tháng nữa, điều này đặt ra câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra trong những tháng tiếp theo. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, nếu giá dầu tăng lên 40 USD/thùng có thể khởi đầu một cuộc chiến về dầu thô mới.
Bên cạnh đó, tỉ lệ tuân thủ cam kết giảm sản lượng dầu của Iraq và Nigeria thấp khiến nội bộ OPEC không thực sự gắn kết.
Nguồn tin: petrotimes.vn