Trong cuộc họp ngày 1/2, Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu dần cải thiện. Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, khoảng 2% nhu cầu thế giới, từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023.
Quyết định mới nhất được OPEC+ đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô đã tăng gần 13% kể từ khi giảm xuống mức thấp nhất là 76USD vào tháng trước, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch Covid-19. Giá dầu Brent giảm 3%, xuống 82,90USD/thùng vào chiều 1/2 (giờ Việt Nam).
Nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu được dự báo sẽ ghi nhận mức kỷ lục trong năm 2023, nhờ sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Hãng nghiên cứu Energy Intelligence dự báo, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng lên 101,2 triệu thùng/ngày, vượt mức kỷ lục 100,6 triệu thùng/ngày được ghi nhận năm 2019.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Nga thông báo, trung bình giá dầu Ural của Nga trong tháng 1 vừa qua là 49,48USD/thùng. Mức giá này giảm 42% so với mức của tháng 1/2022 và thấp hơn giá trần 60USD/thùng mà các nước phương Tây áp dụng với giao dịch mua bán dầu Nga.
Hiệp hội Nhiên liệu và năng lượng Đức nhận định sẽ không xảy ra đột biến về giá sau khi Liên minh châu Âu (EU) ngừng nhập khẩu các sản phẩm như dầu diesel, xăng, dầu nhờn của Nga từ ngày 5/2 tới. Bởi, lệnh cấm vận đã được EU công bố sớm và các doanh nghiệp châu Âu đã tích cực chuyển sang các nhà cung cấp thay thế.
Tuy nhiên, theo chuyên gia từ Viện nghiên cứu kinh tế Đức, nếu EU không mua năng lượng từ Nga, nguồn cung thay thế sẽ từ các khu vực xa hơn, chi phí vận chuyển sẽ tăng. Tính riêng dầu diesel, Nga cung cấp khoảng 600.000 thùng mỗi ngày cho EU, trong khi lượng cung của cả Mỹ, Saudi Arabia và Ấn Độ cộng lại chỉ khoảng 200.000 thùng.
Nguồn tin: Nhân dân