Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối OPEC+ ngày 1/6 đã nhất trí duy trì tốc độ nới lỏng dần kế hoạch kiểm soát nguồn cung dầu hiện có, khi các nhà sản xuất đang cân bằng giữa đà phục hồi nhu cầu dầu với khả năng nguồn cung từ Iran gia tăng.
Vào tháng 4/2021, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng thêm 2,1 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5 – 7/2021 dựa trên dự báo nhu cầu sẽ tăng, bất chấp số lượng ca nhiễm COVID-19 mới ở Ấn Độ gia tăng nhanh.
Kể từ quyết định đó, giá dầu đã kéo dài đà tăng và hiện đã tăng hơn 30% trong năm nay, mặc dù triển vọng về nguồn cung dầu thô từ Iran tăng, khi các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân đạt được tiến triển, đã hạn chế đà tăng giá dầu. Ngày 1/6 giá dầu thô Brent đạt 71 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.
Phát biểu sau hội nghị OPEC + được tổ chức trực tuyến, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết ông nhận thấy nhu cầu ở Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết ông không nhận định nguồn cung tăng từ Iran sẽ gây ra khó khăn cho thị trường năng lượng. Trong một tuyên bố, ông bày tỏ tin tưởng sự trở lại dự kiến trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu của Iran ra thị trường toàn cầu sẽ diễn ra một cách có trật tự và minh bạch.
Iran có thể thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu từ 1,0 đến 1,5 triệu thùng/ngày nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn.
OPEC + vẫn dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 6 triệu thùng/ngày vào năm 2021 - tương đương 6% tiêu thụ toàn cầu - khi thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trước đó trong năm 2020, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày do nhu cầu sụt giảm khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát lần đầu tiên. Tính đến tháng 7 tới, các kế hoạch kiểm soát sản lượng vẫn được giữ nguyên ở mức 5,8 triệu thùng/ngày.
Nguồn tin: Vinanet