OPEC+ đã làm những nhà đầu cơ dầu giá lên thất vọng vào tuần trước với tuyên bố tự nguyện cắt giảm từ một số nhà sản xuất và không nhất trí về việc giảm nguồn cung trên cả nhóm, ít nhất là trong quý đầu tiên của năm 2024, khi nhu cầu thường ở mức thấp nhất.
Liên minh và hai thành viên nổi bật nhất của nhóm, Ả Rập Saudi và Nga, đã vội vã trấn an thị trường – nơi giá dầu trượt dốc sau cuộc họp không mấy ấn tượng vào tuần trước – rằng OPEC+ có thể can thiệp một lần nữa và gia hạn hoặc tăng cường cắt giảm nếu cân bằng cung cầu đảm bảo điều đó.
Việc cắt giảm của OPEC+ đã ảnh hưởng đến giá dầu và một tuần sau cuộc họp của tổ chức này, giá đã chạm mức thấp nhất 6 tháng vào thứ Tư trong bối cảnh tồn kho của Mỹ tăng cao, lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu.
OPEC+ phải đối mặt với tất cả những tín hiệu giảm giá đó và với một thị trường hiện đang tập trung vào nhu cầu thay vì nguồn cung.
Điều gì tiếp theo từ OPEC+
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói với Bloomberg hôm thứ Hai rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể kéo dài qua tháng 3 năm 2024 nếu thị trường yêu cầu.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi cũng chỉ trích các nhà bình luận vì không hiểu thỏa thuận sản lượng và cho rằng điều này sẽ thay đổi một khi “mọi người nhìn thấy thực tế của thỏa thuận”.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói với Bloomberg: “Tôi thành thật tin rằng 2,2 triệu thùng sẽ khắc phục được mức tồn kho thường xảy ra trong quý đầu tiên”, đề cập đến mức cắt giảm tổng thể của OPEC+ trong quý đầu tiên của năm 2024, bao gồm việc Ả Rập Xê Út gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày.
Nhận xét của Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã được lặp lại bởi chuyên gia dầu mỏ hàng đầu của Nga, Phó Thủ tướng Alexander Novak, người hôm thứ Ba cho biết OPEC+ sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung và cắt giảm sâu hơn để tránh sự biến động và đầu cơ trên thị trường.
Vì "ổn định" là từ ưa thích của OPEC+ để hỗ trợ giá dầu, liên minh có thể cố gắng can thiệp một lần nữa nếu giá trượt sâu hơn và nhu cầu thất vọng.
Nhưng như cuộc họp tuần trước đã cho thấy, những bất đồng trong OPEC+ ngày càng sâu, và việc đạt được một quyết định nhất trí có thể còn khó khăn hơn vào năm tới.
OPEC+ là chìa khóa cho giá dầu
Dù sao đi nữa, việc quản lý thị trường dầu từ OPEC+ sẽ là chìa khóa dẫn đến giá sẽ đi về đâu trong năm tới, Warren Patterson, Giám đốc chiến lược Hàng hóa tại ING, đã viết trong một ghi chú vào đầu tuần này.
Patterson cho biết: “Triển vọng thị trường dầu phần lớn phụ thuộc vào chính sách của OPEC+”.
Theo ngân hàng này, việc cắt giảm được công bố vào tuần trước sẽ đủ để xóa đi mức thặng dư dự kiến trước đó trên thị trường trong quý đầu tiên của năm 2024.
Patterson nhận định: “Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy tình trạng thừa cung nhẹ trong quý 2 năm 2024, điều đó có nghĩa là thị trường phần lớn cân bằng trong nửa đầu năm 2024. Điều này có thể và sẽ thay đổi tùy thuộc vào cách các thành viên OPEC+ giải quyết các khoản cắt giảm tự nguyện này”.
ING dự báo giá dầu thô Brent giao dịch ở mức thấp của phạm vi 80 USD vào đầu năm tới, đồng thời dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 91 USD/thùng trong quý 2 năm 2024 khi thị trường quay trở lại tình trạng thâm hụt.
Nhưng OPEC+ phải đối mặt với nhiều biến số trong việc kiểm soát giá
Một tuần sau cuộc họp của OPEC+ và những thông báo mới nhất về việc cắt giảm sản lượng, giá dầu đã giảm khoảng 10% do thị trường đang kỳ vọng nguồn cung giảm nhiều hơn và đã tính vào giá một số hình thức cắt giảm.
Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng vọt, tồn kho thương mại và xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng, tất cả đều gây sức ép lên giá cả. WTI hôm thứ Tư đã trượt xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 7 và dầu Brent giảm xuống dưới 75 USD/thùng - mức chốt phiên thấp nhất kể từ tháng 6.
OPEC+ hiện phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự – làm thế nào để ứng phó trước sự gia tăng sản lượng của Hoa Kỳ và ngăn điều đó gây phá hỏng những nỗ lực của liên minh trong việc hỗ trợ giá.
Nguồn cung ngoài OPEC+ đang tăng với tốc độ nhanh hơn dự báo trước đây và được dẫn đầu bởi sản lượng dầu thô kỷ lục của Mỹ, vốn tiếp tục tăng vọt bất chấp số lượng giàn khoan ổn định hoặc giảm so với thời điểm này năm ngoái.
Paul Sankey tại Sankey Research nói với CNBC sau cuộc họp OPEC+ vào tuần trước rằng sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ là một “vấn đề lớn” đối với OPEC+.
Theo số liệu mới nhất từ EIA được công bố vào tuần trước, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục mới hàng tháng là 13,236 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Nhu cầu hiện cũng được coi là yếu tố giảm giá, đặc biệt là nhu cầu vào đầu năm tới. Sự quan ngại về hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chi phối tâm lý thị trường.
Mới trong tuần này, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã thay đổi triển vọng từ ổn định sang tiêu cực đối với xếp hạng tín dụng của chính phủ Trung Quốc, kỳ vọng cần có hỗ trợ tài chính cao hơn để thúc đẩy nền kinh tế và gây áp lực lên tài chính của chính phủ.
"Việc thay đổi triển vọng cũng phản ánh những rủi ro gia tăng liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách liên tục và có cấu trúc cũng như sự thu hẹp quy mô liên tục của lĩnh vực bất động sản", Moody's cho biết, giải thích về triển vọng tiêu cực, vốn là cảnh báo về việc hạ xếp hạng tín dụng.
Mức độ mà Mỹ và các đồng minh sẵn sàng tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga và Iran trong năm tới cũng sẽ ảnh hưởng đến giá dầu.
OPEC+ sẽ phải tính đến nhiều biến số trong chính sách quản lý thị trường của mình vào năm tới, bao gồm mối đe dọa mới đối với thị phần của họ từ sản lượng tăng vọt của Mỹ và các nước ngoài OPEC+.
Nguồn tin: xangdau.net