OPEC+ đang cân nhắc cắt giảm sản lượng lên tới 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp vào thứ Tư tuần này (5/12) để hỗ trợ thị trường và kéo giá dầu tăng lên...
Đây sẽ là lần cắt giảm sản lượng mạnh tay nhất của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga, kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch.
Theo tờ Wall Street Journal, mối lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đã kéo giá dầu giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đầu năm 2020 - thời điểm Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Điều này buộc OPEC+ phải cân nhắc các biện pháp nhằm kéo giá dầu tăng lên.
Bất kỳ động thái hỗ trợ giá dầu nào của liên minh này cũng có thể gây thêm áp lực cho các quốc gia phương Tây vốn đang chịu tác động nghiêm trọng của chi phí năng lượng. Việc này đồng thời cũng sẽ giúp Nga - một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới - có thêm nguồn thu trong lúc hứng chịu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.
Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, giá dầu đã vượt 100 USD/thùng và giữ ở mức này trong nhiều tháng. Tuy nhiên, giá dầu thô Brent đã giảm 23% trong quý 3, xuống mức 87,96 USD/thùng vào tuần trước. Đây là mức giảm mạnh nhất trong một quý kể từ năm 2020.
Giá dầu giảm thường giải tỏa áp lực cho nền kinh tế toàn cầu. OPEC+ giữ vai trò là lực lượng điều tiết thị trường dầu mỏ, đảm bảo cung-cầu cân bằng. Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng ở thời điểm này sẽ đẩy giá tăng lên, trong lúc giá dầu - dù đã giảm - vẫn đang cao so với bình quân lịch sử.
Cuộc chiến tranh ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến giá năng lượng tăng vọt ở gần như tất cả mọi nền kinh tế trên thế giới. Kể cả khi giá dầu đã bắt đầu giảm, việc giảm sản lượng sẽ là một quyết định gây ảnh hưởng lớn khi nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt lạm phát cao, tăng trưởng giảm tốc và thậm chí có thể xuất hiện suy thoái.
Theo ông Adel Hamaizia, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Harvard, việc OPEC+ giảm sản lượng có thể càng khiến cho tình hình suy thoái tại một số quốc gia tồi tệ hơn.
“Việc giảm sản lượng có thể đẩy lạm phát lên cao hơn và ảnh hưởng đến nhu cầu dầu hơn nữa”, ông giải thích.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng cũng có thể làm gia tăng những biến động trong dòng chảy năng lượng diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Trung Quốc, nơi đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng suy giảm, thời gian qua đã tranh thủ gom dầu giá rẻ của Nga. Trong khi đó, châu Âu đang buộc phải mua dầu với giá đắt đỏ hơn từ các nước Trung Đông sau bởi khu vực này đã hạn chế mua dầu Nga.
Những tháng qua, giá dầu giảm một phần do tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc khi nước này tiếp tục kiên trì chiến lược chống dịch Zero Covid-19, gây gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc từ mức 4,3% đưa ra hồi tháng 6 xuống chỉ còn 2,8% trong báo cáo gần đây nhất.
Dự kiến tranh luận về việc cắt giảm sản lượng sẽ diễn ra gay gắt, OPEC+ sẽ họp trực tiếp tại Vienna, Áo, vào thứ Tư tuần này. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của liên minh này kể từ khi đại dịch bùng phát.
OPEC+ cũng đang cân nhắc một số lựa chọn khác, bao gồm giảm một lượng ít nhất 500.000 thùng dầu/ngày hoặc giảm nhiều nhất 1,5 triệu thùng/ngày, nguồn tin của Wall Street Journal cho biết.
Trước đó, Mỹ đã đề nghị OPEC+ bơm thêm dầu để giúp giảm giá xăng ở nước này. Trong suốt mùa hè, liên minh có một số đợt giảm sản lượng trước khi diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Saudi Arabia. Tiếp đó, OPEC+ tăng nhẹ sản lượng vào tháng 9, sau chuyến thăm của ông Biden. Trên thực tế, những tháng gần đây, sản lượng của OPEC+ thường thấp hơn so với mức hạn ngạch đề ra. Về phần mình, Mỹ phản ứng với giá dầu tăng cao bằng cách xả kho dầu dự trữ chiến lược.
Trước thềm cuộc họp của OPEC+, các quan chức Nhà Trắng từ chối đưa ra dự báo về tác động có thể có từ quyết định sản lượng của liên minh này. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm thứ Sáu tuần trước từ chối bình luận về các động thái của OPEC+, nhấn mạnh rằng Mỹ không thuộc tổ chức này.
“Họ (OPEC+) là một thực thể độc lập và họ có quyền đưa ra thông tin cũng như các tuyên bố của mình”, bà Jean-Pierre phát biểu.
Nguồn tin: vnEconomy