3 nguồn thạo tin cho hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), trong đó có Saudi Arabia và Nga, có thể đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác trong một hội nghị dự kiến được tổ chức vào ngày 9/4 nếu Mỹ cùng thực hiện động thái này.
Một cơ sở khai thác dầu tại Jubail, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ trước đó đã kết thúc hồi cuối tháng 3 sau đó Nga và Saudi Arabia không thể đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục cắt giảm hoạt động khai thác trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ trên thế giới.
Do nhu cầu dầu mỏ giảm khoảng 30%, OPEC và các đối tác, trong đó có Nga, đang tìm cách hạn chế nguồn cung. Tuy nhiên, các quốc gia này muốn những bên khác, chẳng hạn như Mỹ, cùng thực hiện.
Người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia Nga, Kirill Dmitriev hôm 6/4 cho biết Saudi Arabia và Nga đang tiến "rất gần" đến một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.
Ông Dmitriev cho rằng toàn bộ thị trường hiểu rằng thỏa thuận này rất quan trọng và sẽ đem lại nhiều sự bình ổn cho thị trường và hai bên đang đến rất gần thỏa thuận này. Ông cũng khẳng định sự cần thiết của một thỏa thuận nguồn cung mở rộng, có thể gồm sự tham dự của cả các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC+, hiện bao gồm các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu ngoài khối, dẫn đầu là Nga. Nga và Saudi Arabia trong tháng trước đã không đạt được sự đồng thuận về vấn đề cắt giảm sản lượng khai thác nhằm bình ổn giá dầu.
Saudi Arabia và Nga ban đầu lên kế hoạch tổ chức họp vào ngày 6/4 nhằm bàn thảo việc cắt giảm sản lượng, song cuộc họp đã được đẩy lùi lại vào ngày 9/4, giữa bối cảnh giá dầu tiếp tục chịu sức ép do tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các bộ trưởng năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các thành viên thuộc một số tổ chức quốc tế khác sẽ tham dự một cuộc họp trực tuyến do Saudi Arabia chủ trì vào ngày 10/4 tới, trong một nỗ lực kêu gọi Mỹ tham gia vào một thỏa thuận mới về việc cắt giảm sản lượng.
Nguồn tin: baotintuc.vn