Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ nhóm họp tại Vienna vào ngày 25 tháng 5 để xem xét chính sách 6 tháng tuổi của mình nhằm hạn chế sản xuất để tăng giá dầu. Khi họ đồng ý cắt giảm sản lượng hồi tháng mười một năm ngoái, làm đảo ngược chiến lược cung cấp dầu tùy thích kéo dài hai năm, các Bộ trưởng dự tính sẽ đưa ra một sự can thiệp nhanh chóng để làm giảm dự trữ toàn cầu. Nhưng điều đó đã không thực sự có hiệu quả. Sự phục hồi của giá làm hồi sinh đầu tư vào ngành công nghiệp đá phiến Mỹ và sản xuất đã bùng nổ. Với sản lượng từ dự báo Mỹ sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 1970 vào cuối năm nay, OPEC và các nước đồng minh cần phải tiếp tục hạn chế sản xuất để xóa đi lượng cung thừa nhằm giữ mức giá gần 50 đôla một thùng.
1. Kết quả của cuộc họp là gì?
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Xê-út, người thực sự quan trọng trong OPEC, cho biết ông muốn mở rộng cắt giảm sản xuất cho tới cuối quý I năm 2018. 9 tháng là dài hơn so với kế hoạch ban đầu, một dấu hiệu cho thấy nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đang nghiêm túc về việc làm giảm tồn kho dầu toàn cầu. Saudi dường như nhận được sự ủng hộ của các thành viên chủ chốt khác trong OPEC, trong đó có Iran, nước được miễn trừ vì phải khôi phục sản xuất sau lệnh trừng phạt. Nga, nước không thuộc OPEC quan trọng nhất tham gia vào nỗ lực kiềm chế cung, cũng ủng hộ ý tưởng này.
2. Liệu có đủ cho sự thay đổi hoàn toàn trên thị trường dầu?
Đó là một vấn đề tranh luận lớn giữa các nhà phân tích dầu mỏ. Nếu OPEC và các nước đồng minh tiếp tục cắt giảm thêm 9 tháng nữa thì theo các tính toán của Bloomberg sử dụng số liệu chính phủ Mỹ cho thấy họ sẽ giảm một lượng tồn kho gần mức kỷ lục tại các nước phát triển xuống 8% và xóa đi lượng cung thừa đang gây sức ép lên thị trường. Cả Goldman Sachs Group và Cơ quan Năng lượng Quốc tế đều mong đợi nhu cầu vượt qua cung một cách đáng kể vào nửa cuối năm nay, mang lượng dầu tồn kho tại các nền kinh tế công nghiệp xuống mức trung bình 5 năm mà OPEC nhắm tới, tức là khoảng 40% lượng dầu thế giới.
3. Điều gì có thể làm hỏng kế hoạch của OPEC?
Có ba rủi ro chính. Sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu đáng thất vọng có thể làm kìm hãm nhu cầu dầu thô. Các thành viên của OPEC có thể rút lại lời hứa của họ và sản xuất vượt quá các hạn mức đã được đưa ra trong thỏa thuận tháng 11. Và sản lượng đá phiến của Mỹ có thể tiếp tục phát triển nhanh hơn dự kiến, thay thế cho các thùng dầu mà OPEC mang ra khỏi thị trường.
4. Vai trò của Nga là gì?
Thỏa thuận tháng 11 bao gồm 11 quốc gia không thuộc OPEC, quan trọng nhất là Nga, nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Nga đồng ý cắt giảm 300.000 thùng mỗi ngày – dù tương đối khiêm tốn so với 486.000 của Ả-rập Xê-út, nhưng đây là lần đầu tiên Nga đồng ý cắt giảm sản lượng để kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu. Kể từ đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabian Khalid al-Falih và người đồng cấp Nga Alexander Novak đã thể hiện một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, tạo ra một sự phối hợp chung để điều phối chính sách. Cả hai nước kiểm soát hơn 20 phần trăm sản lượng dầu toàn cầu.
5. Những thay đổi trong chính sách của OPEC ảnh hưởng đến Hoa Kỳ như thế nào?
Sự sụt giảm của giá dầu bắt đầu vào năm 2014 và kéo dài qua hai năm thử nghiệm của OPEC trên thị trường tự do là khó khăn đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Sản lượng đã giảm hơn một triệu thùng/ngày từ đầu năm 2015 tới giữa năm 2016 khi các công ty khai thác buộc phải ngừng hoạt động trên những mỏ dầu không mang lại lợi nhuận. Nhưng sáu tháng qua đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Sản xuất tăng 800.000 thùng/ngày kể từ tháng 11, và ngành công nghiệp Mỹ đã học cách cắt giảm chi phí, hiệu chỉnh kỹ thuật khoan để thu thêm dầu từ mỗi giếng khoan.
6. Tại sao là sự thay đổi hoàn toàn?
Sự phục hồi của Mỹ được dẫn đầu bởi vùng lưu vực Permian thuộc Texas và New Mexico, nơi một số giếng khoan mang lại lợi nhuận cao nhất, năng suất nhất đã được tìm thấy. Địa chất học làm cho có thể khoan các giếng khoan nằm ngang qua các lớp đá chứa dầu. Có lẽ Permian là nơi chứa dầu có thể thu được nhiều hơn bất kỳ mỏ dầu nào trên thế giới ngoại trừ siêu khổng lồ Ghawar của Saudi Arabia. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính, sản lượng dầu mỏ trong khu vực được dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 2,36 triệu thùng/ngày trong tháng này, chiếm hơn 1/4 tổng lượng dầu trên toàn quốc. Citigroup ước tính rằng nó có thể sản xuất 5 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2020, nhiều hơn cả Iran hay Iraq.
7. Liệu điều này có phải là sự kết thúc của OPEC?
Có lẽ là không. “Lời cáo phó” của OPEC đã được viết đi viết lại nhiều lần, nhưng nhóm này có khuynh hướng “sống sót” trở lại. Không còn nghi ngờ gì về cuộc cách mạng đá phiến đã làm yếu đi quyền lực của OPEC trên thị trường toàn cầu, ít nhất là cho đến bây giờ, nhưng vẫn còn một số lợi thế quan trọng. Vùng đất trung tâm của OPEC ở Trung Đông vẫn sở hữu những giếng dầu mang lại lợi nhuận cao nhất thế giới - đơn giản là chỉ cần bỏ ra chi phí ít hơn để khoan vào sa mạc Ả-rập Xê-út so với đáy Đại Tây Dương hay thậm chí là các mỏ đá phiến ở Texas. Trong dài hạn, chúng ta có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào dầu của OPEC so với các thùng dầu đắt tiền được khoan ở các nước ngoài nhóm này.
Nguồn tin: xangdau.net