Khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng, giá dầu WTI đã tăng mạnh 8%, mức tăng trong ngày lớn nhất trong hơn một năm qua và giao dịch ở mức 80,45 USD/thùng trong phiên sáng 16/4 (giờ địa phương). Trước đó, ngày 2/4, OPEC+ tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 5 cho tới hết năm 2023; với 1,16 triệu thùng/ngày.
Dầu mỏ vẫn là mối quan tâm lớn của kinh tế toàn cầu. Nguồn: Italy24.
Bên cạnh việc cắt giảm từ Ả Rập Saudi và các nước Trung Đông khác, Nga cũng duy trì sản xuất ở mức giảm như cam kết. Phản ứng trước quyết định hôm 2/4, Nhà Trắng cho đó là thiếu sáng suốt, đồng thời nói rằng Mỹ sẽ làm việc với các nhà sản xuất và bên tiêu thụ, tập trung vào giá xăng dầu dành cho người Mỹ.
Tác động tức thời từ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng
Quyết định của OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, bao gồm Nga) lập tức tác động đến hầu hết các thị trường trên thế giới, khi giá dầu mỏ nguyên liệu cũng như thành phẩm xăng dầu bắt đầu leo thang. Theo tờ South China Morning Post, giá dầu tăng cũng có khả năng làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Mỹ, quốc gia đã kêu gọi Ả Rập Saudi và các đồng minh khác tăng sản lượng trong bối cảnh Washington cố hạ giá dầu và siết chặt nguồn thu lợi nhuận của Nga.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi mô tả động thái này là một "biện pháp phòng ngừa" nhằm ổn định thị trường dầu mỏ. Cho rằng, sản lượng bị cắt giảm chiếm chưa đến 5% sản lượng trung bình 11,6 triệu thùng mỗi ngày của Ả Rập Saudi hồi năm 2022.
Bình luận về việc OPEC+ cắt giảm sản lượng, các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets LLC, cho rằng: "Động thái mới này tương tự như đợt cắt giảm hồi tháng 10/2022, có thể được xem là tín hiệu khác cho thấy Ả Rập Saudi và các đối tác OPEC+ sẽ tìm cách rút ngắn đợt bán tháo quy mô lớn hơn nữa. Quyết định này được cho là cần thiết khi suy thoái xuất hiện”.
Ông Kristian Coates Ulrichsen - chuyên gia vùng Vịnh tại Viện Chính sách công Baker thuộc Trường Đại học Rice, cho biết Ả Rập Saudi “quyết tâm duy trì giá dầu ở mức đủ cao” để thực hiện một loạt các dự án lớn đầy tham vọng liên quan đến kế hoạch Tầm nhìn 2030 nhằm cải tổ nền kinh tế của quốc gia này.
Các nhà phân tích và giới thương nhân dầu mỏ cho rằng việc OPEC+ cắt giảm ản lượng có thể đẩy giá dầu lên tới 100 USD/thùng (hiện giao dịch ở mức 80,45 USD/thùng). Nhà phân tích Bjarne Schieldrop tin rằng giá dầu mỏ sẽ lên trên 100 USD/thùng vào thời điểm cuối năm 2023 và có thể đưa dầu Brent đạt tới ngưỡng 110 USD ngay mùa hè này. Trong khi đó Goldman Sachs nâng dự báo tháng 12/2023 thêm 5 USD, lên 95 USD/thùng.
Ông Takayuki Honma - Kinh tế trưởng Công ty Sumitomo Corporation Global Research, cho rằng nguồn cung của OPEC+ thắt chặt hơn cũng sẽ tác động tiêu cực đến Nhật Bản, vì nó có thể thúc đẩy lạm phát và làm suy yếu nền kinh tế nước này.
Những quốc gia nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Ở thời điểm này, khi những lo ngại về hiệu ứng lan tỏa của cuộc khủng hoảng ngân hàng đã giảm, lại càng khiến trọng tâm chú ý một lần nữa quay lại với nhu cầu dầu mỏ. Theo giới quan sát, việc dầu mỏ lên giá sẽ tạo ra “những đám mây mù" phía trước.
Ngày 16/4, nói trên Bloomberg, Pavel Molchanov - Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Raymond James, cho rằng giá dầu có thể quay trở lại ngưỡng 100 USD/thùng ngay trong tháng 5. “Giá dầu tăng giống như thuế đánh vào mọi nền kinh tế nhập khẩu dầu mỏ. Không phải Mỹ sẽ cảm nhận tổn thương lớn nhất khi giá dầu lên mức 100 USD, mà là các nước không có nguồn dầu mỏ đáng kể sản xuất trong nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp. Và tất nhiên điều đó còn tác động tới tất cả các nước nhập khẩu nhiên liệu”.
Henning Gloystein - Giám đốc của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, cũng đồng tình với ý kiến này, khi cho rằng nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất do nguồn cung dầu bị cắt giảm và giá dầu tăng vọt là những khu vực có mức độ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu cao và sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, Amrita Sen - người sáng lập hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects, nói: “Các nước có ít ngoại tệ dự trữ nhất đồng thời phụ thuộc dầu nhập khẩu sẽ chịu tổn thương lớn vì dầu được định giá bằng đồng USD”.
Như vậy, theo giới quan sát thị trường thế giới, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng từ tháng 5 tới buộc tất cả các quốc gia phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng, vì việc này sẽ kéo dài cho tới hết năm 2023. Từ đó, giá dầu có thể sẽ một lần nữa loạn nhịp. Tuy nhiên, dù viễn cảnh giá dầu 100 USD/thùng có thể xảy ra nhưng mức giá đó sẽ không tồn tại lâu vì nhiều nền kinh tế đã ở vào thời kỳ đầu suy thoái, mức độ tiêu thụ năng lượng sẽ giảm sút.
Greg Priddy - chuyên gia tư vấn tại Spout Run Advisory ở Washington (Mỹ), cho rằng việc OPEC+ cắt giảm sản lượng tạo ra áp lực tăng giá dầu mỏ sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực hạ nhiệt lạm phát của các ngân hàng trung ương, đồng thời kéo lùi tốc độ tăng trưởng nói chung. Tuy nhiên, OPEC+ cũng sẽ phải đối diện với rủi ro nếu họ đẩy mọi chuyện đi quá xa. “Trong khi nhiều quốc gia nghèo đang phải vật lộn với nợ nần và đồng USD mạnh, việc tăng giá dầu hiện nay có nguy cơ dẫn thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn” - Amy Myers Jaffe, giáo sư tại Đại học New York, nhận xét.
Nguồn tin: Đại đoàn kết