Các nước sản xuất dầu lớn dẫn đầu là Saudi Arabia cho biết sẽ một lần nữa cắt giảm nguồn cung dầu thô. Quyết định này gây bất ngờ và có thể giúp Nga vượt qua "bão" trừng phạt của phương Tây.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố, nước này sẽ gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ cho đến hết năm 2023. Cụ thể, quốc gia này sẽ thực thi quyết định cắt giảm 500.000 thùng mỗi ngày cho tới cuối năm 2023.
UAE, Saudi Arabia, Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt tuyên bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 500.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm 2023.
Bộ Dầu mỏ Iraq cho rằng, động thái trên là một "biện pháp phòng ngừa" được thực hiện với sự phối hợp của một số quốc gia thuộc OPEC+ nhằm ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo nhận định của trang AP, ít dầu chảy đến các nhà máy lọc dầu hơn đồng nghĩa với việc giá xăng dầu sẽ tăng cao hơn và có thể thúc đẩy lạm phát "tấn công" Mỹ và châu Âu. Đổi lại, điều này cũng có thể giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Quyết định của các nhà sản xuất dầu - nhiều nước trong số họ thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đối tác (hay còn gọi là OPEC+) - cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày được đưa ra sau khi giá dầu thô chuẩn quốc tế sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
OPEC+ chiếm khoảng 40% tổng sản lượng dầu thô toàn cầu. Quyết định trên bổ sung vào mức cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày đã được công bố vào tháng 10/2022.
Tránh giá dầu trượt sâu hơn
Saudi Arabia thành viên chiếm ưu thế của OPEC. Quốc gia này cho rằng, động thái cắt giảm sản lượng là để "phòng ngừa", tránh giá dầu trượt sâu hơn.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman liên tục thực hiện cách tiếp cận thận trọng đối với nhu cầu dầu trong tương lai và ủng hộ việc chủ động điều chỉnh nguồn cung trước khả năng nhu cầu suy giảm.
Lập trường đó dường như đã được chứng minh khi giá dầu giảm từ mức cao hơn 120 USD/thùng vào mùa Hè năm ngoái xuống còn 73 USD vào tháng trước.
Với lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ trầm trọng, sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế châu Âu và sự phục hồi của Trung Quốc sau Covid-19 mất nhiều thời gian hơn dự kiến, các nhà sản xuất dầu mỏ đang cảnh giác với sự sụt giảm giá đột ngột của giá dầu. Sự sụt giảm từng được chứng kiến trong đại dịch Covid-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Nhà phân tích thị trường vốn Mohammed Ali Yasin cho biết, quyết định mới nhất của các nước thành viên OPEC và OPEC+ nhấn mạnh sự cấp bách của các nhà sản xuất.
Ông nói: “Tôi nghĩ đó là một bất ngờ đối với tất cả những người theo dõi thị trường. Mục tiêu bây giờ là ngăn chặn 'sự trượt giá liên tục của dầu'. Nếu giá xuống mức dưới 70 USD/thùng, điều này sẽ 'rất tiêu cực' đối với các nền kinh tế sản xuất".
Lạm phát sẽ thêm tồi tệ?
Các nhà phân tích cho biết, cung và cầu tại thị trường dầu mỏ thế giới tương đối cân bằng, điều đó có nghĩa là việc cắt giảm sản lượng có thể đẩy giá cao hơn trong những tháng tới.
Ở Mỹ, giá nhiên liệu phụ thuộc nhiều vào dầu thô, chiếm khoảng một nửa giá mỗi gallon. Theo câu lạc bộ mô tô AAA, giá dầu thấp hơn có nghĩa là những người lái xe ở Mỹ đã chứng kiến mức giá trung bình giảm từ mức kỷ lục trên 5 USD/gallon vào giữa năm 2022, xuống còn 3,50 USD/gallon trong tuần này.
Ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao của Rystad Energy nhận thấy, việc cắt giảm sản lượng, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ thắt chặt hơn nữa thị trường dầu vốn đã thắt chặt. Việc cắt giảm có thể đẩy giá dầu lên khoảng 10 USD/thùng và đẩy giá dầu Brent quốc tế lên khoảng 110 USD/thùng vào mùa Hè này.
Ông nói: “Những mức giá cao hơn đó có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu và các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất, điều này sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Với những lo ngại về nền kinh tế nói chung, thị trường có thể hiểu, việc cắt giảm sản lượng là một cuộc bỏ phiếu không tin tưởng vào sự phục hồi của nhu cầu dầu mỏ và thậm chí có thể gây rủi ro. Nhưng điều đó sẽ chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn".
Sự ủng hộ dành cho Nga
Moscow cho biết sẽ kéo dài việc cắt giảm 500.000 thùng/ngày cho đến hết năm. Nước này cần doanh thu từ dầu mỏ để hỗ trợ nền kinh tế và ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt trên diện rộng từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác của Ukraine.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đã báo hiệu rằng, việc cắt giảm của Nga có thể chỉ đơn giản là tạo ra mặt tốt nhất cho việc giảm nhu cầu đối với dầu của nước này.
Thời gian qua, phương Tây đang "xa lánh" các thùng dầu của Nga và Moscow phải xoay sở để chuyển hướng phần lớn dầu sang Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với các lô hàng của Moscow. Và Nga đang phải bán dầu giảm giá, với doanh thu sụt giảm vào đầu năm nay.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng, việc cắt giảm sản lượng là điều nên làm vào thời điểm này do thị trường không chắc chắn. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ đang ở một vị trí khác so với năm ngoái, khi giá tăng vọt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Chúng tôi tập trung vào giá cả, chúng tôi không tập trung vào số lượng thùng dầu".
Nhà Trắng cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của OPEC+ là vô lý và tuyên bố sẽ làm việc với các hãng sản xuất và người tiêu dùng để ổn định giá xăng cho người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo AP, phản ứng của Nhà Trắng được cho là nhẹ nhàng hơn so với hồi tháng 10/2022, khi việc cắt giảm diễn ra trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ và khi đó, giá xăng tăng cao là một vấn đề lớn.
Ông Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa trưởng tại Capital Economics nhận thấy, việc cắt giảm sản lượng dầu cho thấy sự ủng hộ của OPEC, OPEC+ đối với Nga và phản đối nỗ lực hạ giá dầu của chính quyền Tổng thống Biden.
Nguồn tin: Thế giới & Việt nam