Giá dầu tăng trở lại cho thấy sự hiệu quả từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+, song để đảm bảo giá dầu tăng bền vững thì còn phụ thuộc vào sự đồng thuận trong thời gian tới.
Theo đó, sự hợp tác giữa các thành viên OPEC+ đang cho thấy những kết quả tích cực. Giá dầu Brent đã tăng khoảng 50% trong tháng 5, dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá hồi đầu năm.
Trong tháng đầu tiên thực hiện giảm sản lượng, mức độ cắt giảm của gần 20 quốc gia tham gia thỏa thuận đã đạt được tiến trình đề ra. Ngoài ra, các nhà sản xuất dầu mỏ khác cũng đóng vai trò quan trọng khi cung - cầu thị trường buộc phải giảm hoạt động sản xuất.
Tại Mỹ, sản lượng dầu đã giảm khoảng 1,6 triệu thùng/ngày, tương đương 12% trong 2 tháng qua, mức giảm lớn nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, tại Canada, sản lượng tại Alberta cũng giảm gần 1/4, tương đương 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, trong cuộc họp sắp tới của OPEC+, liệu sự đồng thuận giữa các thành viên có tiếp tục được duy trì? Cuộc thảo luận của OPEC+ dự kiến diễn ra vào 2 ngày 9 - 10/6 có thể diễn ra sớm vào ngày 4/6 để xem xét lại tình hình thị trường và xác định bước đi tiếp theo.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak mới đây nói rằng, lượng cắt giảm như hiện nay cùng với đà hồi phục sản xuất tại Trung Quốc, cung - cầu dầu mỏ trên toàn cầu có thể tiến tới trạng thái cân bằng vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, đánh giá này quá lạc quan và còn quá sớm để các nhà sản xuất dầu có thể thở phào. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng năng lượng tại Mỹ và châu Âu vẫn phục hồi chậm chạp bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp.
Tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều nước hiện vẫn chưa thể trở lại bình thường. Tiêu thụ nhiên liệu tại Ấn Độ hiện thấp hơn khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, Ả Rập Xê-út và một số quốc gia lân cận đã tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm trong tháng 6. Sản lượng của Ả Rập Xê-út sẽ chỉ còn 7,5 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6 - mức thấp nhất trong 20 năm qua.
Có thể thấy, trong khi Nga muốn theo đuổi lịch trình cắt giảm sản lượng cũ, thì Ả Rập Xê-út cùng một số quốc gia lân cận lại muốn kéo dài thời hạn để đảm bảo đà tăng của giá dầu bền vững hơn. Vấn đề lớn nhất trong cuộc họp sắp tới của OPEC+ chính là tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên.
Nguồn tin: petrotimes.vn