Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

OPEC+ cần sự đồng thuận để giá dầu tăng bền vững

Việc giá dầu tăng trở lại bước đầu cho thấy sự hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (hay còn gọi là OPEC+). Nhưng để đảm bảo giá dầu tăng bền vững thì còn phụ thuộc vào sự đồng thuận trong thời gian tới.

Cho tới nay, sự hợp tác giữa các thành viên OPEC+ đang mang lại kết quả tích cực. Giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 50% trong tháng 5, dù vẫn thấp hơn một nửa so với mức giá hồi đầu năm.

Trong tháng đầu tiên hạ sản lượng, mức độ cắt giảm của gần 20 quốc gia tham gia thỏa thuận đã đạt được tiến trình đề ra. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu mỏ còn lại trên toàn cầu cũng đóng vai trò quan trọng khi cung - cầu thị trường buộc hoạt động sản xuất phải đi xuống.

Số liệu sản xuất theo tuần tại Mỹ cho thấy, sản lượng dầu giảm khoảng 1,6 triệu thùng/ngày, tương đương 12% trong 2 tháng qua - mức giảm lớn nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, tại Canada, sản lượng tại Alberta cũng giảm gần 1/4, tương đương 1 triệu thùng/ngày.

Diễn biến giá dầu thô Brent.

Mọi chuyện đang diễn biến đúng hướng, nhưng câu hỏi đặt ra là trong cuộc thảo luận tiếp theo, liệu sự đồng thuận giữa các thành viên có thể giữ vững? Cuộc thảo luận của nhóm OPEC+ được dự kiến diễn ra trực tuyến vào ngày 9 và 10/6 để xem xét lại tình hình thị trường và xác định bước đi tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng, với tổng lượng cắt giảm sản lượng như hiện nay, cùng với đà hồi phục sản xuất tại Trung Quốc, cung - cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tiến tới trạng thái cân bằng vào tháng 6 hoặc tháng 7/2020.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá này quá lạc quan và còn rất sớm để các nhà sản xuất dầu mỏ có thể thở phào. Nhu cầu sử dụng năng lượng tại Mỹ và châu Âu vẫn chưa có nhiều cải thiện bởi tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng chưa vào guồng quay thường nhật. Chẳng hạn, tiêu thụ nhiên liệu tại Ấn Độ hiện thấp hơn khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tại Mỹ, con số này thấp hơn khoảng 25%.

Đáng chú ý, Ả Rập Xê út và một số quốc gia lân cận vào đầu tháng 5 đã đồng ý sẽ hạ sản lượng thêm trong tháng 6, vượt lên trên con số thỏa thuận trước đó.

Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất dầu mỏ này sẽ giảm thêm 1,2 triệu thùng dầu/ngày, đưa sản lượng của Ả Rập Xê út xuống mức chỉ còn 7,5 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6 - thấp chưa từng thấy trong 20 năm qua, ngoại trừ thời điểm biến động bất thường khi cơ sở dầu mỏ của quốc gia này bị tấn công vào năm ngoái.

Như vậy, trong khi một số thành viên OPEC+, đặc biệt là Nga, chỉ muốn gắn chặt với lịch trình cắt giảm sản lượng cũ (bắt đầu sản xuất bình thường kể từ tháng 7/2020), thì Ả Rập Xê út cùng một số quốc gia lân cận có ý muốn kéo dài thời hạn để đảm bảo đà tăng của giá dầu bền vững hơn.

Thử thách sắp tới của OPEC+ chính là tìm được tiếng nói chung của các thành viên, nhất là khi lần gần đây nhất Nga và Ả Rập Xê út bất đồng quan điểm, dẫn tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng sụp đổ, khơi mào cuộc chiến giá dầu và đẩy giá loại nguyên liệu này xuống mức thấp nhất 20 năm qua.

Nếu gắn với thỏa thuận cũ, các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ bắt đầu nới lỏng các quy định hạn chế đầu ra vào tháng 7/2020.

Điều này đồng nghĩa với việc thị trường sẽ đón nhận thêm 2-4 triệu thùng dầu/ngày. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, các hoạt động sản xuất - kinh doanh còn trì trệ, bất cân bằng cung - cầu trên thị trường có thể đảo ngược nỗ lực hồi phục của giá dầu trong thời gian qua.

Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn
 

ĐỌC THÊM