Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đang trải qua một trong những năm điều hành chính sách khó khăn nhất trong lịch sử. Sau khi cùng với các nước đồng minh đảo ngược thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu kéo dài 18 tháng hồi tháng 6, giờ tổ chức này cân nhắc giảm sản lượng trở lại.
OPEC đang cân nhắc cắt giảm sản lượng dầu vào năm 2019. Ảnh: Bloomberg
Xem xét giảm sản lượng khi giá dầu giảm mạnh
Theo hãng tin Bloomberg, các bộ trưởng dầu mỏ và năng lượng từ sáu nước thuộc Ủy ban giám sát hỗn hợp cấp bộ trưởng (JMMC) thuộc liên minh 25 nước OPEC và các đồng minh ngoài OPEC sẽ nhóm họp tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất để thảo luận khả năng cắt giảm sản lượng bắt đầu từ năm 2019. Động thái này có thể đánh dấu sự kết thúc đột ngột quyết định tăng nguồn cung được OPEC và các đồng minh ngoài OPEC đưa ra hồi tháng 6 vì lo ngại sản lượng dầu thiếu hụt.
OPEC đang tìm cách ứng phó với một viễn cảnh đáng lo ngại: Dù các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ đang thu hẹp đáng kể nguồn cung dầu của nước này, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng, đe dọa tạo ra nguồn cung dư thừa mới trong năm 2019.
Một số nước thành viên OPEC lo ngại các kho dự trữ dầu trên thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới. Giá dầu thô trên thị trường thế giới đang phản ánh mối lo ngại này. Giá dầu Brent trên thị trường London đã giảm khoảng 19% kể từ khi chạm đỉnh bốn năm hồi đầu tháng 10. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8-11, giá dầu Brent giảm 2% xuống còn 70,65 đô la/thùng, đánh dấu chín phiên giảm liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu Tây Texas (WTI) trên thị trường New York giảm 1,6%, về mức 60,67 đô la/thùng, tức giảm 21% so với mức đỉnh gần đây nhất.
OPEC và các nước đồng minh cho thấy họ đang lo ngại khi bắn tín hiệu hồi tháng trước rằng họ có thể giảm sản lượng dầu đang ở mức sát kỷ lục.
Bob McNally, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Advisors ở Washington cho biết đã chuẩn bị tăng mạnh sản lượng nhưng giờ đây buộc phải kìm hãm nỗ lực này đột ngột và cân nhắc cắt giảm sản lượng trở lại. “Thông điệp của OPEC dường như là phải thắt chặt sản lượng về mức an toàn”, McNally nói.
Nguồn cung dầu hứa hẹn dồi dào
Vào hồi đầu mùa hè này, giá dầu bắt đầu khởi động đà tăng mạnh mẽ khi rủi ro sản lượng sụt giảm do lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran cũng như tình trạng sụp đổ kinh tế ở Venezuela, một thành viên chủ chốt của OPEC gây hoảng hốt trên thị trường dầu.
Sản lượng suy giảm ở hai thành viên OPEC này đe dọa dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung lớn nhất kể từ đầu thập kỷ này, khiến giá dầu Brent tăng nhanh lên mức đỉnh của 4 năm 86 đô la/thùng vào tháng trước. Song nguồn cung dầu ngoài OPEC có dấu hiệu tiếp tục tăng mạnh, đồng nghĩa với việc rủi ro nguồn cung thiếu hụt có thể không kéo dài.
Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid Al-Falih cho biết OPEC đang chuyển sang trạng thái tăng sản lượng hết mức có thể để trấn an các nước tiêu thụ nhiều dầu. Vương quốc dầu mỏ này đã đẩy sản lượng lên sát với mức kỷ lục, trong khi đó, Libya, một thành viên khác của OPEC, đã tăng sản lượng lên mức cao nhất trong 5 năm.
Cùng lúc đó, sản lượng dầu của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thế kỷ và nhu cầu dầu đối mặt viễn cảnh xấu đột ngột do tăng trưởng kinh tế suy yếu ở các nền kinh tế mới nổi và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Hiện nay, theo nhận định của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các thị trường dầu trên toàn cầu đã được bảo đảm các nguồn cung dồi dào. Hồi đầu tháng 10, OPEC dự báo năm 2019, thế giới sẽ cần thêm 1,36 triệu dầu/ngày, giảm so với mức dự báo 1,43 triệu thùng/ngày mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 8.
“Họ (OPEC) chắc chắn muốn sắp xếp một thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào một thời điểm nào đó vào năm sau. Mọi thứ đều cho thấy sự cân bằng cung cầu trên thị trường dầu khá yếu vì thế nền kinh tế thế giới giảm tốc và các căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ tác động rõ rệt đến nhu cầu dầu”, Ed Morse, Giám đốc bộ phân phân tích thị trường hàng hóa ở Citigroup, nói.
Cuộc họp của JMMC ở Abu Dhabi vào cuối tuần này chỉ nhằm thẩm định tạm thời về chính sách trước khi các bộ trưởng của 25 nước này chính thức thảo luận chính sách vào tháng sau tại trụ sở của OPEC ở Vienna, Áo.
OPEC phải tính toán kỹ
Có rất nhiều vấn đề phải tính toán kỹ trước cuộc họp của OPEC vào tháng 12. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, bao gồm lệnh cấm vận dầu thô, có thể khiến sản lượng dầu của Iran giảm mạnh đến mức các nước sản xuất dầu khác không cần phải cắt giảm sản lượng. Dù Washington đưa ra một số miễn trừ, cho phép 8 nước được tạm thời tiếp tục mua dầu của Iran, chính quyền Donald Trump nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ sẽ bóp nghẹt nguồn thu từ dầu của Iran.
OPEC cũng cần đánh giá sản lượng dầu của Mỹ. IEA dự báo Mỹ có khả năng sẵn sàng đáp ứng hầu hết mức tăng của nhu cầu dầu trên toàn cầu vào năm sau. Hồi tháng 8, nhờ sản lượng dầu đá phiến dồi dào, sản lượng dầu của Mỹ tăng lên mức 11,3 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Cục Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nâng mức dự báo sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2019 thêm 300.000 thùng/ngày, lên mức 12,06 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, OPEC sẽ phải xem xét các yếu tố chính trị. Saudi Arabia có thể gặp khó khăn khi thuyết phục các thành viên còn lại của OPEC quay trở lại tiến trình cắt giảm sản lượng. Một số thành viên như Iraq, đang thúc đẩy các dự án khai thác mới. Một số thành viên khác lo ngại Saudi Arabia can thiệp quá sâu vào chính sách sản lượng của họ.
Nga, đồng minh quan trọng nhất của OPEC, đã tăng sản lượng lên mức kỷ lục của thời kỳ hậu Liên Xô và Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga cảm thấy ổn nếu dầu Brent giao động trong khoảng giá 65-75 đô la/thùng.
Một nguồn tin cho biết Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Al-Falih đã thảo luận qua điện thoại về chương trình nghị sự của cuộc họp ở Abu Dhabi với người đồng cấp Nga Alexander Novak. Nguồn tin này cho biết trong khi OPEC cân nhắc cắt giảm sản lượng trở lại, Nga không sẵn sàng ủng hộ quyết định này.
Nếu OPEC và các đồng minh ngoài OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, họ sẽ bị Tổng thống Donald Trump công kích hoặc khuyến khích các nghị sĩ Mỹ thúc đẩy một dự luật chống OPEC có tên gọi NOPEC, cho phép các cơ quan chính phủ Mỹ và các bên tư nhân kiện các tổ chức hợp tác dầu mỏ như OPEC và các công ty dầu khí quốc gia của các thành viên OPEC về những vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ bằng cách kiểm soát nguồn cung để tác động giá dầu.
Dự luật NOPEC, được giới thiệu cách đây một thập kỷ, nhưng vẫn chưa thể thông qua vì các tổng thống tiền nhiệm đe dọa sẽ phủ quyết nó. Tuy nhiên, giờ đây dự luật này có khả năng được Tổng thống Donald Trump sẽ ký thông qua nếu nó nếu vượt qua các vòng bỏ phiếu tại lưỡng viện quốc hội Mỹ. Trong năm nay, Tổng thống Donald Trump nhiều lần cáo buộc OPEC thao túng sản lượng, đẩy giá dầu lên cao.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn