Về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, ông Trương Đình Tuyển khẳng định đây là xu hướng chung của thế giới nhằm thay đổi cơ cấu thu, từ việc thu thuế nhập khẩu là chủ yếu sang việc thu thuế nội địa.
Bộ Tài chính đang đề xuất áp khung mới đối với thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, mức thuế có thể được điều chỉnh tối đa lên mức 8.000 đồng/lít. Nhận định trước sự thay đổi này, ông Trương Đình Tuyển cho rằng đây là xu hướng chung của thế giới.
“Chúng ta có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế môi trường nhằm thay đổi cơ cấu thu, từ việc thu thuế nhập khẩu là chủ yếu sang việc thu thuế nội địa là chủ yếu. Đây là xu hướng chung của thế giới” – ông Tuyển nói.
Lý do được ông Trương Đình Tuyển lý giải là do các ràng buộc trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ buộc Việt Nam phải giảm mức thuế nhập khẩu về 0%. Điều này đặt sức ép lớn lên ngân sách nhà nước.
“Chúng ta ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do, mỗi hiệp định cũng có mức cam kết khác nhau. Nhưng trước sau gì thuế nhập khẩu cũng về 0%. Như vậy cơ cơ cấu thu của chúng ta phải điều chỉnh, chủ yếu là thu từ trong nước” – ông Tuyển nêu rõ.
Ông Trương Đình Tuyển: "Có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế môi trường nhằm thay đổi cơ cấu thu, từ việc thu thuế nhập khẩu là chủ yếu sang việc thu thuế nội địa là chủ yếu. Đây là xu hướng chung của thế giới".
Thực tế, thuế nhập khẩu dầu diesel từ các nước ASEAN đã được áp dụng mức 0% từ năm 2016, mặt hàng xăng giảm còn 2%. Đối với thị trường Hàn Quốc, mức thuế nhập khẩu với xăng là 10%. Tuy nhiên, theo cam kết trong Hiệp định thương mại tư do Việt Nam – Hàn Quốc, mức thuế nhập khẩu xăng sẽ được điều chỉnh về mức 0% vào năm 2024.
Đề nghị sớm điều chỉnh thuế đối với xăng dầu
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết Hiệp hội đã nhiều lần gửi văn bản tới Bộ Tài chính, đề nghị sớm ban hành lộ trình điều chỉnh thuế nội địa đối với mặt hàng xăng, dầu. Theo ông Ruệ, mức thuế nội địa phải chiếm khoảng 50% giá bán lẻ xăng dầu để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.
“Chúng tôi rất ủng hộ và đã có nhiều văn bản gửi bộ Tài chính, đề nghị sớm điều chỉnh thuế nội địa. Trước mắt đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường lên. Ít ra phải bù đắp được thuế nhập khẩu giảm đi và đảm bảo cho tỷ lệ điều tiết của nhà nước trong giá bán lẻ xăng dầu phải chiếm khoảng 50% để đảm bảo nguồn thu ngân sách” – ông Ruệ chia sẻ.
Ông Phan Thế Ruệ: "Chúng tôi rất ủng hộ và đã có nhiều văn bản gửi bộ Tài chính, đề nghị sớm điều chỉnh thuế nội địa. Trước mắt đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường lên"
Về lộ trình thực hiện, ông Ruệ mong muốn các bộ sớm ban hành để thực hiện. Đây được coi là chiến lược điều chỉnh nguồn thu nhằm thích ứng với sự thay đổi. Tiến tới năm 2024, không chỉ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, còn cần điều chỉnh cả thuế giá trị gia tăng.
“Trong điều kiện mức thuế giảm sâu như thế này thì chúng ta phải có chiến lược điều chỉnh lại toàn bộ mức thuế nội địa. Chúng tôi cũng rất nhiều lần đề nghị với Bộ tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành khác nên có lộ trình để điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường trước. Tiến tới 2024 thì còn phải điều chỉnh cả VAT trong lĩnh vực xăng dầu” – ông Ruệ nói.
Về kinh nghiệm quốc tế, ông Ruệ cho biết ngay cả các nước xung quanh như Lào, Campuchia cũng đã phải thay đổi lại mức thuế nội địa. Chính phủ Việt Nam cũng phải điều chỉnh lại thuế nội địa khi bắt đầu thực hiện cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do.
Nguồn tin: Cafef.vn