Mathias Cormann, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nói với CNN, bình luận về triển vọng kinh tế mới nhất của tổ chức này vừa mới được công bố trong tuần này, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang gây ra tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và đang đẩy lạm phát lên cao hơn và kéo dài hơn.
Theo Cormann, OECD không nghĩ đến một cuộc suy thoái ở châu Âu do cuộc chiến khiến giá năng lượng tăng cao ngất ngưởng, nhưng nhóm đã thực hiện một sự điều chỉnh giảm đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế, kể cả ở châu Âu.
Ông nói thêm, cái giá từ lệnh cấm vận của EU đối với dầu nhập khẩu của Nga sẽ làm giảm nửa điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế vào năm 2023 và đẩy lạm phát lên cao.
Tuy nhiên, dự báo này của OECD giả định rằng không có phản ứng về nguồn cung từ các nước sản xuất dầu khác.
“OPEC và các quốc gia khác có thể thay thế nguồn cung dầu của Nga nếu họ chọn làm như vậy và chắc chắn chúng ta rất mong họ làm như vậy”, Cormann nói với CNN.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế mới nhất của OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại xuống còn khoảng 3% trong năm nay và 2,8% vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức phục hồi được dự báo trong Triển vọng Kinh tế trước đó vào tháng 12 năm ngoái. Sáu tháng trước, OECD dự kiến tăng trưởng toàn cầu cho năm nay là 4,46%.
OECD cho biết: “Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở châu Âu, nơi chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh thông qua nhập khẩu năng lượng và dòng người tị nạn”.
“Các quốc gia trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa cao hơn, điều này làm tăng thêm áp lực lạm phát và hạn chế thu nhập cũng như chi tiêu thực tế, làm giảm sự phục hồi,” Cormann nhận xét.
Tất cả các nhà kinh tế và tổ chức quốc tế đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai. Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại từ mức ước tính 6,1% trong năm 2021 xuống còn 3,6% vào các năm 2022 và 2023. Con số này thấp hơn lần lượt 0,8 và 0,2 điểm phần trăm cho năm 2022 và 2023 so với dự kiến vào tháng Giêng.
Ngân hàng Thế giới cho biết trong tuần này, cuộc chiến đã làm gia tăng sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang bước vào giai đoạn có thể trở thành một thời kỳ kéo dài của tăng trưởng yếu và lạm phát gia tăng, làm tăng nguy cơ lạm phát đình trệ. Ngân hàng Thế giới hiện dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 2,9% vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% được dự báo vào tháng 01.
Ngân hàng Thế giới cho biết: “Giá năng lượng cao hơn sẽ làm giảm thu nhập thực tế, tăng chi phí sản xuất, thắt chặt điều kiện tài chính và hạn chế chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ở các nước nhập khẩu năng lượng”.
Nguồn tin: xangdau.net