Electricite de France SA, công ty thuộc sở hữu nhà nước của Pháp, đã thông báo hôm thứ Ba rằng rất có thể hãng sẽ buộc phải gia hạn cắt giảm sản xuất hạt nhân vì thời tiết khắc nghiệt đẩy nhiệt độ sông lên cao, khiến nước trở nên quá nóng để làm mát các lò phản ứng.
Công ty của Pháp cho biết các nhà máy điện nằm dọc sông Rhone và Garonne có thể sẽ sản xuất ít điện hơn trong những ngày tới, nhưng đã cam kết sẽ có mức sản lượng tối thiểu để giữ cho lưới điện ổn định, Bloomberg đưa tin.
Khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu ngày càng nghiêm trọng, phần lớn sự chú ý của thế giới đều tập trung vào Đức và lưu lượng khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, Pháp đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn khi nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất châu Âu trở thành nhà nhập khẩu ròng nhờ lĩnh vực hạt nhân của nước này.
Một đợt nắng nóng chết người ở Tây Âu đã gây ra cháy rừng diện rộng, khiến hàng nghìn người phải di dời và làm gián đoạn giao thông khi lục địa này phải vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu. Theo cơ quan dự báo thời tiết quốc gia, một số khu vực ở Pháp đã trải qua nhiệt độ kỷ lục vượt ngưỡng 100 độ F với ít nhất 5 quốc gia ở châu Âu ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc cảnh báo đỏ. Và hiện đợt nóng cực độ đang gây ra một tác động bất thường: nó làm cho các con sông của Pháp trở nên quá nóng để có thể sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân.
Hiện tại, Electricite de France SA chỉ đang vận hành 26 trong số 57 lò phản ứng của mình, với hơn một nửa dây chuyền của hãng đang được bảo trì khẩn cấp sau khi phát hiện ra các đường ống bị nứt.
Các chuyên gia hiện cho biết Pháp đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện khi các lò phản ứng nguyên tử tạo ra thị phần điện thấp nhất của nước này trong 30 năm, theo Bloomberg.
Nguồn cung hạt nhân sụt giảm đang buộc Pháp phải phụ thuộc vào các nhà máy chạy bằng khí đốt hơn bao giờ hết, thủy điện, gió ngắt quãng và nhập khẩu. Điều đó làm tăng giá điện trên thị trường bán buôn cho toàn châu lục, với giá kỳ hạn của Pháp tăng gần 1.000% so với mức trung bình 10 năm tính đến năm 2020.
Cuộc khủng hoảng thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông, với mức tiêu thụ cao vào mùa sưởi ấm có khả năng làm cho giá điện trở nên đắt đỏ khủng khiếp.
Nguồn tin: xangdau.net