Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nước nào sẽ lấp đầy "khoảng trống" dầu mỏ của Saudi Arabia?

Sau vụ hai cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công, câu hỏi được giới phân tích tại Trung Đông đặt ra, đó là nước nào sẽ là bên phù hợp nhất để lấp đầy khoảng trống dầu mỏ của Riyadh?


Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Aramco ở Abqaiq, miền Đông Saudi Arabia sau vụ tấn công ngày 14/9. (Ảnh: AFPF/TTXVN)

Vụ tấn công trực diện bằng máy bay không người lái nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ trọng yếu của Saudi Arabia, trong đó có nhà máy tinh chế dầu thô lớn nhất thế giới, đã làm tâm lý thị trường biến động mạnh và đẩy giá “vàng đen” tăng lên ngưỡng cao nhất trong vòng sáu tháng qua.

Câu hỏi được giới phân tích tại Trung Đông đặt ra, nước nào sẽ là bên phù hợp nhất để lấp đầy khoảng trống dầu mỏ của Riyadh?

Theo các chuyên gia, Saudi Arabia vẫn có thể tạm thời duy trì xuất khẩu dầu mỏ của mình bằng cách tận dụng nguồn dự trữ trong các cơ sở dầu thô nội địa.

Bên cạnh đó, Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Aramco của nước này cũng trữ “vàng đen” ở một số địa điểm chiến lược khác như tại Rotterdam (Hà Lan) hay Okinawa (Nhật Bản).

Thống kê của Tổ chức Sáng kiến dữ liệu chung (JODI) cho biết, tổng kho dự trữ dầu thô của Saudi Arabia là khoảng 190 triệu thùng, bên cạnh 97 triệu thùng khác là các sản phẩm dầu mỏ đã qua chế xuất.

Với lượng xuất khẩu trung bình 8,2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019, con số dự trữ này tương đương khoảng 35 ngày xuất khẩu dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ của quốc gia Vùng Vịnh này.

Tuy nhiên, sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia đã bị giảm hơn một nửa (khoảng 5,7 triệu thùng/ngày) sau vụ tấn công và Riyadh sẽ cần thời gian để khôi phục sản xuất.


Những thiệt hại về cơ sở hạ tầng của nhà máy lọc dầu Khurais thuộc Tập đoàn Aramco sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số nguồn tin cho biết, Saudi Arabia thậm chí sẽ mất nhiều tuần để phục hồi hoàn toàn sản lượng và nếu tình hình kéo dài hơn dự kiến thì chuỗi cung ứng trên thị trường “vàng đen” toàn cầu sẽ đứng trước những thách thức mới.

Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, Bjornar Tonhaugen nhận định, trong kịch bản những thiệt hại đối với cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia cần hơn 10 ngày hoặc lâu hơn thế để khắc phục, tình hình xuất khẩu dầu thô của quốc gia này sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi các nguồn dầu thay thế trên toàn cầu có những mặt hạn chế nhất định.

Trước hết, Iran có đủ khả năng để thay thế cho sự sụt giảm sản lượng của Saudi Arabia do xuất khẩu dầu mỏ của Riyadh chủ yếu tới các khách hàng ở châu Á, và Iran có lợi thế gần gũi về mặt địa lý hơn bất kỳ nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nào khác.

Tuy nhiên, Tehran hiện không thể tiếp cận thị trường do các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bản thân Washington đã quy trách nhiệm cho Iran sau vụ tấn công tại Saudi Arabia, do đó khả năng Mỹ nới lỏng trừng phạt ngành dầu mỏ của Iran sẽ rất khó xảy ra.

Tương tự, những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu khí của Venezuela đã khiến sản lượng “vàng đen” của nước này “rơi tự do” trong những năm qua.

Ngay cả khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Venezuela cũng chưa thể khôi phục sản lượng. Điều này khiến Caracas không thể là một lựa chọn thay thế khả thi.

Đối với Mỹ, quốc gia này lần đầu tiên đã vượt Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới sau nhiều năm bùng nổ của ngành công nghiệp đá phiến quốc gia.

Điều đó cho thấy các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng có thể tăng sản lượng khi giá “vàng đen” cao. Nếu sản lượng dầu thô của Saudi Arabia không sớm được khôi phục và giá “vàng đen” tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ nâng công suất để tận dụng cơ hội này.

Đáng chú ý, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẵn sàng cho phép mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược trong trường hợp cần thiết.

Trở ngại duy nhất của Mỹ là các cảng xuất khẩu dầu mỏ ở nước này đã tiệm cận công suất tối đa và không dễ để ngay lập tức tăng lượng xuất khẩu nhiều hơn nữa.

Về phần mình, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác chủ chốt như Nga trước đó đã quyết định duy trì cắt giảm lượng dầu thô để chặn đà xuống giá của “vàng đen” và giúp cân bằng thị trường. Bên cạnh đó, phần lớn trong cam kết cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày này là đến từ Saudi Arabia.

Vì vậy, ngay lập tức đảo ngược sản lượng đối với OPEC lúc này cũng không phải là điều dễ dàng và cần sự đồng thuận của khối, khi bản thân đối tác Nga cũng đang sản xuất gần công suất tối đa và có thể chỉ bổ sung thêm vài trăm nghìn thùng một ngày.

Chuyên gia nghiên cứu dầu mỏ và khí đốt thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại JP Morgan, Christyan Malek thừa nhận, đúng là thế giới đang dư cung dầu mỏ, song đó là giai đoạn trước khi vụ tấn công xảy ra.


Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia sau vụ tấn công ngày 14/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nguồn dầu thô dự trữ sẽ giúp thị trường bình ổn trong một khoảng thời gian, song các thị trường sẽ trở nên bất ổn và biến động trở lại khi các kho dự trữ dần cạn kiệt và nguy cơ chuỗi cung ứng bị gián đoạn tăng lên.

Trong ngắn hạn, sự đứt quãng nguồn cung sẽ kéo giá “vàng đen” gia tăng. Vì vậy, vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia rõ ràng đã tạo ra những rủi ro mới và không thể đảo ngược đối với thị trường dầu thô.

Còn trong dài hạn, vụ tấn công được dự báo sẽ châm ngòi cho tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu. Đây mới chính là yếu tố sẽ quyết định tâm lý của các thị trường, cũng như tương lai của ngành dầu mỏ khu vực./.

Nguồn tin: vietnamplus.vn


ĐỌC THÊM