Tăng thuế xăng dầu lên kịch khung 4.000 đồng/lít từ 1/1/2019 đồng nghĩa với việc giá xăng tăng thêm 1.000 đồng. Dù có ý kiến trái chiều nhưng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu dù tăng cao hơn nữa người dân vẫn phải chịu.
Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu kịch khung 4.000 đồng/lit từ 1/1/2019. Ảnh minh họa
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ mức 3.000 đồng/lít hiện nay lên kích khung 4.000 đồng/lít.
Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019.
Với việc tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường lên 4.000 đồng/lít xăng đồng nghĩa giá xăng sắp tới sẽ phải cộng thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường.
Để dễ hình dung xin lấy ví dụ: Tại kỳ điều hành giá xăng dầu mới nhất (ngày 21/9), xăng E5 RON92 tăng 320 đồng/lít có giá bán 20.231 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 293 đồng/lít có giá bán 21.770 đồng/lít.
Mức giá này nếu sau khi tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường tức cộng thêm 1.000 đồng thì xăng xăng E5 RON92 là 21.231 đồng/lít và xăng RON95 tăng lên 21.770 đồng/lít. Giá mặt hàng dầu diesel, dầu mazut hiện nay nếu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường sẽ cộng thêm khoản thuế tương ứng.
Nếu chỉ nhìn vào việc tăng con số cơ học thì mỗi lít xăng từ 20.231 đồng (chưa tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường) tăng lên 21.231 đồng (khi tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường) không đáng kể.
Thế nhưng tác động lan tỏa của nó lên nền kinh tế rất lớn đặc biệt với ngành vận tải, nông nghiệp và thủy sản. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải chiếm từ 25% -35% cơ cấu giá thành đối với xe chạy xăng, từ 35-45% đối với xe chạy dầu; còn hàng không là 39,5%. Với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33 -59% cơ cấu giá thành. Còn trong nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm từ 35-40% cơ cấu giá thành.
Thời điểm áp thuế bảo vệ môi trường kịch khung vào khoảng tháng 11 âm lịch (trước Tết Nguyên đán hơn 1 tháng) do đó sẽ ảnh hưởng đến người dân. Ảnh minh họa
Với tỷ trọng như vậy, việc điều chỉnh giá xăng dầu do áp thuế bảo vệ môi trường kịch khung sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các đơn vị liên quan.
Nói cách khác khi giá xăng dầu tăng do thuế bảo vệ môi trường sẽ đẩy giá cả hàng hóa tăng lên. Giá cả hàng hóa tăng gây ảnh hưởng đáng kể đến đối tượng có thu nhập thấp. Đó là những người lao động cơ bản, tiểu thương, kinh doanh, người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, công nhân…
Nhóm lao động này có giá trị gia tăng không cao, nên khi tăng thuế bảo vệ môi trường, họ sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng khó tránh, bởi xăng là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành nghề. Giá xăng tăng, chi phí sản xuất của nhóm lao động này bị ảnh hưởng trực tiếp.
Những tác động việc giá xăng tăng khi áp thuế bảo vệ môi trường xăng dầu được cảnh báo, phân tích rất nhiều. Người dân đương nhiên không muốn giá xăng tăng, tuy nhiên thực tế cần thừa nhận: Dù giá xăng tăng cao bao nhiêu người dân vẫn phải chịu bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.
Do là mặt hàng thiết yếu nên ngay cả điều chỉnh thuế bảo vệ xăng dầu lên 8.000 đồng/lít như đề xuất trước đó của Bộ Tài chính người dân không muốn cũng phải chấp nhận.
Cần nói thêm rằng thời điểm áp thuế bảo vệ môi trường kịch khung vào khoảng tháng 11 âm lịch (trước Tết Nguyên đán hơn 1 tháng). Do đó lần điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường áp dụng từ 1/1/2019 sẽ ảnh hưởng lớn đến chi tiêu người dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Nguồn tin: tintucvietnam.vn