Dường như tâm lý lo sợ về những bất ổn của thị trường vẫn còn hiện hữu trong nhà đầu tư, khiến phố Wall quay đầu giảm trong ít phút cuối phiên thứ Tư. Không chỉ chứng khoán, giá vàng và dầu thô cũng đồng loạt giảm mạnh.
Nối tiếp đà hồi phục mạnh trong phiên thứ Ba, phố Wall tiếp tục duy trì sắc xanh khi mở cửa phiên giao dịch hôm thứ Tư và duy trì đà tăng gần như trong suốt phiên. Tuy nhiên, về cuối phiên, dường như tâm lý lo sợ về những bất ổn vừa qua của nhà đầu tư trở lại, khiến các chỉ số đồng loạt quay đầu và đóng cửa trong sắc đỏ.
Trong các nhóm cổ phiếu, nhóm công nghệ 1,4% do tác động từ đà sụt giảm của cổ phiếu Apple khi đại gia này mất 2,1%. Nhóm cổ phiếu năng lượng thậm chí giảm mạnh hơn 1,7% do giá dầu thô xuống mức thấp nhất 5 tuần.
Chỉ số VIX đã giảm 2,3 điểm, xuống 27,73 điểm, nhưng vẫn còn ở mức cao hơn 2 lần so với mức trung bình trong vài tháng qua.
Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Dow Jones giảm 19,42 điểm (-0,08%), xuống 24.893,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,48 điểm (-0,50%), xuống 2.681,66 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 63,90 điểm (-0,90%), xuống 7.051,98 điểm.
Trong khi đó, hưởng ứng phiên hồi phục mạnh trước đó của phố Wall trong phiên thứ Ba, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Tư sau phiên lao dốc mạnh trước đó.
Kết thúc phiên 7/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 138,02 điểm (+1,93%), lên 7.279,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 197,77 điểm (+1,60%), lên 12.590,43 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 94,10 điểm (+1,82%), lên 5.255,90 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, hưởng ứng với phiên hồi phục mạnh trước đó của phố Wall, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán châu Á cũng tăng mạnh khi mở cửa phiên thứ Tư. Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực bán mạnh đã diễn ra, nhất là ở một số nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó như bất động sản, tiêu dùng, khiến các chỉ số quay đầu. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản may mắn giữ được sắc xanh nhạt, trong khi chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng, chứng khoán Hồng Kông cũng đứng ở mức thấp nhất 5 tuần. Hai thị trường này quay đầu giảm mạnh còn do đồng NDT được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc điều chỉnh tăng mạnh so với đồng USD.
Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 35,13 điểm (+0,16%), lên 21.645,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 272,22 điểm (-0,89%), xuống 30.323,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 61,39 điểm (-1,82%), xuống 3.309,26 điểm.
Trước khả năng Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong năm nay, đồng USD đã liên tục tăng trở lại 4 ngày qua và trong phiên thứ Tư, đã tăng vọt lên mức cao nhất hơn 2 tuần, đẩy giá vàng tiếp tục giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 4 tuần. Giá vàng giảm còn do tác động của giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất 5 tuần.
Kết thúc phiên 7/2, giá vàng giao ngay giảm 5,6 USD/ounce (-0,42%), xuống 1.318,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 16,8 USD/ounce (-1,26%), xuống 1.314,6 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, không chỉ chịu tác động tiêu cực của việc đồng USD tăng mạnh, giá dầu thô còn bị áp lực bởi dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô và sản lượng của Mỹ đạt mực kỷ lục.
Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 1,9 triệu thùng và sản lượng khai thác của Mỹ đạt mức 10,25 triệu thùng/ngày, mức kỷ lục mới.
Kết thúc phiên 7/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,60 USD (-2,52%), xuống 61,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,35 USD (-2,02%), xuống 65,51 USD/thùng.
Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoan