Giá dầu đã giảm khoảng 30 USD/thùng kể từ mức đỉnh gần đây vào đầu tháng 6 trước khi Fed và các ngân hàng trung ương khác bắt đầu tăng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát. Chính sách thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, trong khi một số chỉ số thị trường tài chính cho thấy thị trường dự kiến suy thoái, điều này có thể làm chậm tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.
Các tổ chức dự báo lớn được theo dõi sát sao nhất - OPEC, EIA và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - tiếp tục dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng trong cả năm nay và năm sau, với nhu cầu cao hơn mức trước COVID vào năm 2023.
Tuy nhiên, thị trường dầu hiện đang tập trung rất nhiều vào các tín hiệu giảm giá, với giá phản ánh lo ngại về sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, suy thoái ở các nền kinh tế lớn của châu Âu và sự trì trệ hoặc suy thoái ở Hoa Kỳ.
Một số chỉ số tài chính và thương mại gần đây cho thấy sự suy thoái, và thị trường đang coi đó là manh mối cho dự báo ngày càng nhiều khả năng xảy ra về một cuộc suy thoái vào một thời điểm nào đó trong vài tháng tới.
Bất chấp thị trường việc làm ổn định ở Mỹ và mức độ hoạt động kinh tế vẫn cao, các thị trường tài chính - như được thấy trong các hợp đồng tương lai cổ phiếu - chỉ ra khả năng cao hơn về sự suy giảm lớn trong chu kỳ kinh tế hoặc suy thoái trong sáu tháng tới, John Kemp, nhà phân tích thị trường cấp cao của Reuters nhận định.
Sau đó là sự sụt giảm trong hợp đồng mở của hợp đồng dầu tương lai do nhiều nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi thị trường bởi tính biến động cao, do đó càng làm trầm trọng thêm sự biến động đó khi tính thanh khoản giảm xuống.
Trong một trong những đánh giá gần đây nhất, các chỉ số cho thấy tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hải toàn cầu đang chậm lại, một dấu hiệu cho thấy sự kinh tế đang diễn ra chậm lại và suy thoái ở các thị trường lớn có thể sớm thành hiện thực, đe dọa tới nhu cầu dầu mỏ.
Tuần trước, Drewry World Container Index là chỉ số cước vận tải container của 8 tuyến vận tải biển chính trên toàn cầu lần đầu tiên giảm xuống dưới 5.000 USD/container 40ft-foot kể từ tháng 4 năm 2021 — một tín hiệu cảnh báo về sự trở lại bình thường của giá cước vận tải, công ty cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn cho hàng hải toàn cầu và ngành vận tải biển cho biết. Chỉ số tổng hợp đã giảm 8% trong tuần trước, tuần giảm thứ 29 liên tiếp, và đã giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Fitch Ratings cho biết khu vực đồng tiền chung châu Âu và Vương quốc Anh hiện dự kiến sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm nay, trong khi Hoa Kỳ sẽ bị suy thoái nhẹ vào giữa năm 2023, tổ chức này đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới xuống 2,4% vào năm 2022, giảm 0,5 phần điểm trăm so với dự báo hồi tháng Sáu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện dự kiến chỉ ở mức 1,7% vào năm 2023, giảm 1 điểm phần trăm.
Brian Coulton, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Fitch cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với một sự kết hợp của các yếu tố bất lợi đối với nền kinh tế toàn cầu trong những tháng gần đây, với cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, tốc độ tăng lãi suất mạnh và sự sụt giảm bất động sản ngày càng sâu sắc ở Trung Quốc”.
Thị trường dầu cũng lo ngại về sự chậm lại được dự báo từ việc tiếp tục tăng lãi suất. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland, Loretta Mester, cho biết vào cuối tháng trước, Fed còn nhiều việc phải làm trong việc kiềm chế lạm phát và lãi suất chủ chốt cần phải tăng lên trên 4% vào đầu năm 2023 và giữ nguyên mức đó. Lãi suất chính sách mục tiêu hiện tại của Fed nằm trong phạm vi 2,25% -2,5%, sau hai lần tăng liên tiếp lên 75 điểm cơ bản, tương đương 0,75%.
Tuy nhiên, OPEC vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cho biết trong Báo cáo Thị trường Dầu hàng tháng (MOMR) mới nhất của mình rằng tăng trưởng dự kiến sẽ duy trì mạnh mẽ ở mức 3,1% trong năm nay và năm tới, trong một dự báo cho thấy OPEC dự kiến nhu cầu dầu tăng trưởng mạnh bất chấp lo ngại thị trường suy thoái.
Trong khi đó, IEA hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống 110.000 thùng/ngày còn 2 triệu thùng/ngày cho năm 2022, vì dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ giảm lần đầu tiên sau thời gian hơn ba thập kỷ do các đợt phong tỏa liên quan COVID.
IEA đã lưu ý trong báo cáo của mình trong tuần trước rằng nguồn cung vẫn ổn định của Nga có thể giảm 2,4 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay và đầu năm sau khi lệnh cấm vận của EU đối với nhập khẩu dầu của Nga qua đường biển có hiệu lực.
Theo hãng môi giới dầu khí PVM Oil Associates, nguồn cung cũng như nhu cầu trong ngắn hạn đều không chắc chắn.
“Yếu tố khó lường trong việc dự đoán cân bằng dầu có thể là về phía cung của phương trình dầu nhưng vẫn còn thiếu sự đồng thuận rõ ràng trong việc dự đoán nhu cầu dầu trong tương lai. Điều này khiến cho việc dự báo gần như là bất khả thi và không có gì chắc chắn trong tương lai gần”, PVM đánh giá.
Nguồn tin: xangdau.net