Ngày 2-5, Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hy Lạp và Đài Loan.
Cùng ngày, Hàn Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu thô từ Iran sau khi những nỗ lực đàm phán với Mỹ để được gia hạn miễn trừ trừng phạt thất bại. Dầu thô mà Hàn Quốc nhập chủ yếu từ Iran không phải là loại dầu thô thông thường, mà là “khí ngưng tụ”, được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các chế phẩm hóa dầu. Khí ngưng tụ của Iran được đánh giá có chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn 6 USD/thùng so với khí ngưng tụ của các nước khác. Sản phẩm này của Iran chiếm một nửa tổng lượng khí ngưng tụ được sử dụng tại Hàn Quốc. Giới doanh nghiệp hóa dầu Hàn Quốc nhận định giá nguyên liệu sẽ gia tăng do các doanh nghiệp phải tìm nguồn nhập khẩu thay thế.
Thực tế, quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 22-4 vừa qua đã khiến giá dầu mỏ lên tới mức cao nhất kể từ tháng 11-2018. Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu chịu sức ép phải dừng mua dầu của Iran và nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, ngày 1-5, bên lề Đối thoại Hợp tác châu Á ở Doha (Qatar), Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tuyên bố, Mỹ không nên kéo dài các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran vì sẽ gây ra tác động bất lợi đối với các quốc gia đang nhập khẩu dầu mỏ của nước này. Quan điểm của Doha là các lệnh trừng phạt đơn phương sẽ không đem lại hiệu ứng tích cực để giải quyết khủng hoảng, mà thay vào đó giải pháp duy nhất phù hợp là đối thoại. Lập trường này của Qatar cho thấy sự khác biệt với một số quốc gia vùng Vịnh khác, vốn là những nước ủng hộ mạnh mẽ quyết định thắt chặt trừng phạt Tehran của Mỹ.
Bất chấp việc Nhà Trắng thông báo đang cộng tác chặt chẽ với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để đảm bảo sự ổn định trên thị trường dầu mỏ, giới quan sát cho rằng khó có thể đảo ngược nỗi lo về giá dầu. Đặc biệt, trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang ở Venezuela và Câu lạc bộ Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục ngừng cung cấp dầu để duy trì giá. OPEC cùng với Nga và nhiều nước sản xuất dầu khác, được biết đến với cái tên OPEC+, đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ cuối năm 2018, nhằm nỗ lực tăng giá mặt hàng “vàng đen” này. Ngày 27-4, phát biểu với phóng viên bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành Đai và Con Đường ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này sẽ không lập tức tăng sản lượng dầu mỏ, sau khi Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với các nước mua dầu thô của Iran vào tháng 5 tới. Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi có một thỏa thuận với OPEC nhằm duy trì sản lượng ở mức nhất định và thỏa thuận này hiện vẫn có hiệu lực cho đến tháng 7”. Theo kế hoạch, OPEC+ sẽ nhóm họp ngày 25 và 26-6 tới để quyết định việc gia hạn thỏa thuận.
Trong lúc này, hãng tin dẫn CNBC ngày 2-5 dẫn nguồn tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9-2017, tăng 9,9 triệu thùng lên 470,6 triệu thùng, sản lượng cũng lập kỷ lục cao 12,3 triệu thùng/ngày.
Nguồn tin: sggp.org.vn