Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nội bộ OPEC lục đục, giá dầu càng tăng nóng

 Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) leo thang căng thẳng trong cuộc đối đầu nội bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC)...

Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) leo thang căng thẳng trong cuộc đối đầu nội bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Đây được xem là mâu thuẫn ngoại giao hiếm gặp giữa hai đồng minh lâu năm, đồng thời khiến nền kinh tế toàn cầu phải lo lắng về nguồn cung dầu lửa.

Theo hãng tin Bloomberg, xung đột giữa Saudi Arabia và UAE đã khiến OPEC+ phải hoãn họp hai lần trong tuần trước, và cuộc họp cấp bộ trưởng đã phải lùi sang ngày thứ Hai (5/7). Trong lúc đó, giá dầu thế giới tiếp tục xu thế tăng mạnh của thời gian gần đây, với giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York vượt ngưỡng 75 USD/thùng.

OPEC+ là liên minh giữa OPEC với một số nước sản xuất dầu ngoài khối, bao gồm Nga. Lần họp này của OPEC+ không chỉ bàn về sản lượng khai thác dầu 6 tháng cuối năm 2021, mà còn cả kế hoạch cho năm 2022. Bởi vậy, việc mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và UAE được giải quyết như thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và ngành công nghiệp dầu lửa trong thời gian tới.

OPEC+ TRƯỚC NGUY CƠ TAN RÃ

Xung đột giữa hai cường quốc dầu lửa ở vùng Vịnh bị lộ ra trước công chúng vào ngày Chủ nhật, khi cả hai bên nói lên những bức xúc của mình về đối phương trên sóng truyền hình. Trước đó, cả Saudi Arabia và UAE đều có truyền thống giữ kín những vấn đề của mình bên trong những bức tường của cung điện hoàng gia mỗi nước.

Bằng sự phản đối của mình, UAE đang đặt các đồng minh vào một vị thế khó: hoặc chấp nhận đòi hỏi mà Abu Dhabi đưa ra, hoặc đối mặt nguy cơ OPEC+ tan rã.

Riyadh khăng khăng với kế hoạch của mình – với sự hậu thuẫn của các thành viên OPEC+ khác, bao gồm Nga – rằng liên minh nên tiếp tục nâng sản lượng khai thác dầu trong những tháng sắp tới và gia hạn thoả thuận như vậy cho tới cuối năm 2022 vì mục đích đảm bảo sự ổn định cho thị trường dầu.

“Chúng ta cần gia hạn thoả thuận”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói với Bloomberg TV. “Sự gia hạn sẽ giúp nhiều người cảm thấy thoải mái.

Trong một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của mâu thuẫn ngoại giao, hoàng tử Abdulaziz ngầm nói rằng Abu Dhabi đang bị cô lập trong liên minh OPEC+. “Đây là chuyện cả nhóm chống lại một nước. Điều đó thật đáng buồn đối với tôi, nhưng đó là sự thật”, ông nói.

Vài giờ sau, người đồng cấp của ông Adulaziz bên phía UAE là ông Suhail al-Mazrouei một lần nữa phản đối việc gia hạn thoả thuận, chỉ đồng ý với việc nâng sản lượng trong ngắn hạn, và không quên đòi hỏi những điều khoản tốt hơn cho phía UAE trong năm 2022.

“UAE muốn tăng sản lượng một cách có điều kiện, theo đòi hỏi của thị trường”, ông al-Mazrouei đã nói với Bloomberg TV trước đó trong ngày Chủ nhật. Ông khẳng định việc gia hạn thoả thuận nới sản lượng cho tới cuối năm 2022 “là không cần thiết vào lúc này”.

Bằng sự phản đối của mình, UAE đang đặt các đồng minh vào một vị thế khó: hoặc chấp nhận đòi hỏi mà Abu Dhabi đưa ra, hoặc đối mặt nguy cơ OPEC+ tan rã.

Việc không đạt một thoả thuận nâng sản lượng dầu sẽ càng làm thắt chặt thêm nguồn cung dầu vốn dĩ đã hạn hẹp hiện nay, theo đó đặt giá dầu trước khả năng leo thang cao hơn. Tuy nhiên, kịch bản tồi tệ hơn là việc OPEC+ có thể sụp đổ hoàn toàn. Trong trường hợp đó, mỗi nước sẽ khai thác dầu với mức sản lượng tuỳ thích, và giá dầu có thể lao dốc chóng mặt như hồi đầu năm ngoái.

Cuộc chiến giảm giá dầu đã xảy ra vào đầu năm 2020, sau khi Saudi Arabia và Nga không thể đi đến nhất trí về vấn đề sản lượng. Vài tháng sau sau khi cuộc chiến đó khép lại bằng một thoả thuận, UAE lại khiến thị trường chao đảo khi đưa ra ý tưởng rời khỏi OPEC+. Tuần này, Abu Dhabi không nhắc lại lời đe doạ rút khỏi liên minh, nhưng khi được hỏi liệu UAE có rút lui, hoàng tử Abdulaziz của Saudi Arabia chỉ nói: “Tôi hy vọng là không”.

NGUYÊN NHÂN MÂU THUẪN

Vị hoàng tử nói rằng nếu thoả thuận tăng sản lượng không được gia hạn, các thành viên OPEC+ sẽ phải thực thi một thoả thuận dự phòng mà theo đó sản lượng dầu sẽ không tăng trong tháng 8 và thời gian còn lại của năm nay, đặt ra khả năng giá dầu tăng vọt và kéo theo sức ép lạm phát toàn cầu. Khi được hỏi liệu OPEC+ có thể nâng sản lượng mà không có sự tham gia của UAE, ông Abdulaziz nói: “Chúng tôi không thể”.

Tâm điểm trong mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và UAE là một từ giữ vai trò then chốt trong các thoả thuận sản lượng của OPEC+: mức cơ sở (baselines).

Các thành viên OPEC+, giới giao dịch dầu lửa và các nhà phân tích bị sốc vì mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và UAE, cũng như sự thiếu liên lạc giữa hai nước này. Hoàng tử Abdulaziz cho biết ông đã không có cuộc trao đổi nào với người đồng cấp UAE suốt từ hôm thứ Sáu, cho dù khẳng định hai người vẫn là bạn bè.

“Tôi chưa nghe được điều gì từ người bạn Suhail của tôi”, ông Abdulaziz nói, và cho biết ông sẵn sàng đàm phán. “Nếu ông ấy gọi tôi, thì tại sao lại không?”

Tâm điểm trong mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và UAE là một từ giữ vai trò then chốt trong các thoả thuận sản lượng của OPEC+: mức cơ sở (baselines). Mỗi nước trong liên minh tính toán việc tăng hoặc giảm sản lượng dầu dựa trên một mức cơ sở. Nếu con số đó càng cao, nước đó được phép khai thác nhiều dầu hơn. UAE nói rằng mức cơ sở của nước này hiện nay, được quy định ở mức 3,2 triệu thùng/ngày từ tháng 4/2020, là quá thấp, và đòi nâng lên 3,8 triệu thùng/ngày nếu thoả thuận tăng sản lượng được gia hạn sang năm 2022.

Trong khi đó, Saudi Arabia và Nga phản đối việc tính lại sản lượng mục tiêu cho UAE, lo ngại rằng các quốc gia khác trong liên minh cũng đưa ra đòi hỏi tương tự, đặt ra nguy cơ “rã đám” một thoả thuận mà liên minh đã mất vài tuần mới đàm phán xong.


Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

Hoàng tử Abdulaziz ngụ ý rằng Abu Dhabi “kén cá chọn canh” trong vấn đề sản lượng khai thác dầu và điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu.

Tháng 4/2020, Abu Dhabi chấp nhận mức cơ sở như hiện tại, nhưng giờ đây nước này không muốn giữ con số đó thêm nữa. Đó một phần là do UAE đã đầu tư mạnh để tăng công suất các mỏ dầu, thậm chí thu hút các công ty nước ngoài tham gia các dự án khai thác dầu khí. Ngoài ra, trong bối cảnh Iran có thể sớm tăng mạnh xuất khẩu dầu nếu đạt một thoả thuận hạt nhân, UAE dường như đang mất kiên nhẫn trong việc đòi hỏi những điều khoản mới cho mình.

Nguồn tin: VnEconomy

ĐỌC THÊM