Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nỗi băn khoăn xung quanh câu chuyện "tăng mạnh – giảm nhẹ" của ngành xăng dầu

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 20 đợt điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng giá, 2 lần giảm và 12 lần giữ nguyên. Ngày 6-11 vừa qua, Liên bộ Công thương -Tài chính phát đi thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu xuống tối đa là 20.682 đồng đối với xăng E5 RON 92, và 22.203 đồng với xăng RON 95. Mặc dù, giá xăng giảm thế nhưng người dân vẫn băn khoăn về câu chuyện “tăng mạnh – giảm nhẹ” của ngành xăng dầu thời gian qua.

Chiều 6-11 liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu. Theo đó, tại kỳ điều chỉnh này, liên Bộ giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.

Đồng thời chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau: Xăng E5RON92 700 đồng/lít; dầu hỏa 91 đồng/lít; dầu mazut 267 đồng/kg. Xăng RON95 và dầu diesel ngừng chi sử dụng quỹ. 

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng được điều chỉnh giảm khá mạnh; còn các loại dầu được giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể.

Bắt đầu từ 15h ngày 6-11 giá xăng dầu được điều chỉnh giảm xuống

Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 1.082 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.138 đồng/lít; dầu diesel giảm 67 đồng/lít; dầu hỏa và dầu mazut giữ ổn định giá.

Sau khi điều chỉnh, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 19.600 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 21.065 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 18.544 đồng/lít; dầu hỏa: không cao hơn 17.086 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 15.694 đồng/kg.

Việc trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn và điều chỉnh giá xăng dầu được áp dụng từ 15h00 chiều ngày 6-11.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 6/11 là: 78,709 USD/thùng xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5RON92); 80,524 USD/thùng xăng RON95; 92,279 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 92,095 USD/thùng dầu hỏa; 489,901 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.

Giá Etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5RON92 theo Công văn số 1257/BTC-QLG ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.737 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).

Như vậy đây là kỳ điều chỉnh giảm giá xăng thứ 2 sau 3 lần tăng liên tiếp gần đây. Tại kỳ điều chỉnh gần đầy nhất (hôm 22-10), giá xăng giảm 144 - 224 đồng mỗi lít tuỳ loại trong khi các loại dầu giữ nguyên.

Sau điều chỉnh, giá mỗi lít xăng E5 RON 92 tối đa là 20.682 đồng; RON 95 là 22.203 đồng. Dầu hoả giữ nguyên 18.610 đồng; dầu hoả 17.080 đồng một lít...Cùng với giảm giá bán, nhà điều hành chi thêm Quỹ bình ổn xăng dầu. Xăng sinh học E5 RON92 có mức chi quỹ cao nhất 1.213 đồng một lít; RON 95 là 600 đồng; các mặt hàng dầu 634 - 722 đồng một lít, kg tuỳ loại.

Giá xăng tăng giảm phụ thuộc vào thị trường thế giới

Mặc dù, giá xăng giảm thế nhưng trên thực tế rất nhiều người dân tỏ ra băn khoăn về câu chuyện “tăng nhiều – giảm ít” của ngành xăng dầu trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết: Giá của chúng ta phụ thuộc vào giá thế giới, muốn tăng bao nhiêu, giảm bao nhiêu là phụ thuộc vào giá thế giới. Thị trường thế giới vừa qua, đúng là đã diễn ra và được phản ánh vào thị trường trong nước thì ta thấy, lúc tăng thì tăng rất cao nhưng khi giảm thì không giảm tương xứng với mức độ tăng. Điều này đã phản ảnh vào thị trường trong nước, tăng thì cao, giảm thì thấp.

Nếu chúng ta không sử dụng Quỹ bình ổn giá thì mức tăng còn cao nữa. Ví dụ như đầu tháng 5, từ giá thế giới, chúng ta tính giá cơ sở so với giá hiện hành là tăng 3.370 đồng/lít. Tuy nhiên, chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn giá khoảng 1.437 đồng/lít cho nên, chúng ta chỉ tăng 1.900 đồng/lít (xăng) thôi. Nếu chúng ta để thị trường không có can thiệp vào thì mức tăng sẽ còn cao hơn nữa.

Còn về giảm giá, giá thế giới cũng giảm từ từ, rất thấp nên các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cố gắng, kể cả giảm 260 đồng/lít cũng yêu cầu giảm để tạo tác động tích cực đến sản xuất.

Vì sao giá xăng vẫn tăng nhiều hơn giảm

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã trải qua 20 đợt điều chỉnh giá và đợt giảm ngày 6-11 là đợt giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, xăng giảm mạnh nhưng nó vẫn kéo theo nhiều nỗi lo với người tiêu dùng. Theo dự báo đến cuối năm giá xăng dầu vẫn sẽ có nhiều biến động khi Việt Nam phải nhập khẩu 70% xăng dầu thế giới thì giá xăng trong nước sẽ phụ thuộc vào giá thế giới.

Lý giải về đợt điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết là do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nên giá xăng dầu trong nước cũng hòa nhịp giảm theo.



Đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc điều chỉnh giá xăng, Bộ sẽ chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.

Như báo Dân Việt đưa tin, theo chuyên gia Tài chính Nguyễn Trí Hiếu “Nhiều khả năng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận Iran. Giá dầu thế giới sẽ tăng lên mức khoảng 90USD/thùng vào cuối năm nay”.


Biểu đồ giá xăng từ đầu năm 2018 đến ngày 6-10-2018 (Ảnh VNE)

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng.

“Sản xuất thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ. Như vậy, các nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, vật tư phục vụ cho sản xuất cũng sẽ tăng giá. Giá dầu sẽ tăng cao”, ông Thịnh khẳng định.

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh dự báo: “Tính đến cuối năm nay, giá các mặt hàng xăng dầu có thể tăng 15-20% so với cuối năm 2017".

Tuy nhiên, một số chuyên gia Tài chính khác lạc quan hơn cho rằng với quan điểm điều hành giá xăng theo hướng ổn định, gắn với cơ chế thị trường thì rất có thể giá xăng dầu trong nước sẽ tăng nhưng ở mức độ vừa phải.

Sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tình trạng xăng tăng giá

Theo thông tin trên báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ hồi đầu năm đến cuối tháng 9, liên bộ có 18 đợt điều hành giá xăng dầu, với 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá, 10 lần giữ ổn định giá.

Để giữ ổn định giá xăng dầu tổng cộng 10 lần này, ông Hải cho biết liên Bộ Tài chính – Công Thương đã phải trích quỹ bình ổn, tổng cộng là hơn 18.000 đồng/lít .

“Tính đến 25-9, liên Bộ đã chi 5.500 tỷ đồng quỹ bình ổn. Hiện còn 3.100 tỷ đồng. Tại kỳ điều hành gần đây nhất (hôm 6-10) liên Bộ đã quyết định không trích lập quỹ bình ổn”, ông Hải thông tin.

Lý giải vì sao vừa qua không tiến hành trích lập quỹ bình ổn, ông Hải cho biết: Do vừa rồi giá xăng dầu thế giới tăng cao. Liên Bộ đã quyết định ngừng trích quỹ 300 đồng, đồng thời chi sử dụng quỹ bình ổn.

Theo ông Hải, đáng lẽ xăng phải tăng hơn 1.000 đồng nhưng vừa qua tăng có gần 700 đồng. “Đây là lợi ích rõ ràng của quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu không có quỹ này thì giá xăng dầu thế giới tăng bao nhiêu thì tăng, giảm bao nhiêu thì giảm”, ông Hải nói.


Giá xăng tăng kéo theo các mặt hàng đồng loạt tăng theo

Cũng theo ông Hải, việc “thả nổi” giá xăng dầu như vậy thì “dễ” cho cơ quan điều hành, tuy nhiên ở Việt Nam có khái niệm “lạm phát kỳ vọng”, tức là giá xăng tăng thì nhiều mặt hàng không liên quan giá xăng cũng tăng. Do vậy việc sử dụng quỹ bình ổn là cần thiết.

Ông Hải cũng lưu ý thêm, với việc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu theo nghị quyết Thường vụ Quốc hội sẽ “đẩy” giá xăng tăng thêm 1.000 đồng. “Như vậy vai trò của quỹ bình ổn là rất quan trọng. Muốn tồn tại quỹ thì phải tiếp tục trích nhưng giá tăng cao quá thì lại không trích được. Bộ Công Thương sẽ báo cáo lên Ban chỉ đạo giá để xem xét về vấn đề này”.

Giá xăng ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước

Theo VNE, nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Nauy... có giá bán lẻ xăng cao hơn so với Việt Nam mặc dù có trữ lượng dầu lớn và khai thác dầu thương mại lớn hơn Việt Nam. Còn so với các nước có chung đường biên giới, ASEAN và châu Á, giá xăng bán lẻ Việt Nam cũng đang thấp hơn.

So với Lào và Campuchia, giá bán lẻ xăng RON 95 trong nước ngày 10-9 là 21.470 đồng một lít, thấp hơn lần lượt 5.318 đồng và 1.773 đồng một lít. Giá xăng trong nước cũng thấp hơn Trung Quốc 1.499 đồng một lít, Thái Lan 1.145 đồng một lít hay Singapore 18.219 đồng...

Không riêng xăng, giá dầu diesel trong nước cũng thấp hơn nhiều so với các nước. Lý giải nguyên nhân khiến giá bán lẻ xăng, dầu tại Việt Nam thấp hơn các nước, trong đó có Lào, Campuchia, Trung Quốc..., báo cáo Chính phủ cho biết, do các loại thuế kết cấu trong giá xăng tại các nước cao hơn Việt Nam.


Việc thu ngân sách từ xăng dầu tiếp tục tăng

Hiện tỷ lệ thuế trên giá bán xăng, gồm các loại thuế gián thu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng... được kết cấu trong giá bán xăng khoảng 35,6%. Mức này đang thấp hơn nhiều so với các nước. Tỷ lệ thuế trên giá xăng tại Lào khoảng 56,5%; Campuchia 49%, Trung Quốc 52%...

Vì thế, việc xăng sẽ chịu thuế môi trường thêm 1.000 đồng một lít từ đầu năm 2019 sẽ khiến tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam tăng thêm 3,4%, lên mức 39%. "Tỷ lệ này thấp hơn của các nước".

Tuy nhiên, theo chuyên gia Ngô Trí Long: giá xăng dầu của các nước sẽ phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia, không nên đem ra để so sánh với những nước khác mà phải lấy giá thế giới làm cơ sở để đánh giá.

Theo Nghị quyết về biểu thuế môi trường xăng dầu vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, từ 1-1-2019 thuế môi trường với xăng (trừ ethanol) tăng từ 3.000 đồng một lít lên mức trần 4.000 đồng; dầu diesel tăng thêm 500 đồng mỗi lít, lên 2.000 đồng. Các mặt hàng dầu khác như dầu madut, dầu nhờn... tăng 900 đồng lên trần 2.000 đồng mỗi lít. Riêng dầu hỏa tăng 300 lên 1.000 đồng một lít.

So với các mặt hàng khác thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu vẫn chiếm đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường, khoảng 95%.

Nguồn tin: anninhthudo.vn

ĐỌC THÊM