Từ ngày 22-2, Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất chính thức đi vào hoạt động, đây là tin vui đối với người tiêu dùng cả nước. Sau khi nhà máy đi vào vận hành, người tiêu dùng đặt câu hỏi liệu giá bán các loại xăng, dầu sản xuất trong nước có thấp hơn giá xăng, dầu nhập khẩu?
Tìm hiểu vấn đề này, Phó Trưởng ban Quản lý dự án lọc dầu Dung Quất Ðinh Văn Ngọc, cho biết: Sau khi đi vào sản xuất, bước đầu NMLD Dung Quất sử dụng nguồn dầu thô Bạch Hổ. Do đặc điểm nổi trội của dầu thô Bạch Hổ thuộc nhóm dầu có giá cao nhất trên thế giới vì có phẩm chất tốt và chứa lượng lưu huỳnh rất thấp, giúp giảm thiểu các loại khí độc hại như SO2 và SO3 khi đốt cháy. Vì vậy, một số sản phẩm của NMLD Dung Quất đạt tiêu chuẩn chất lượng khí thải Euro3, còn lại đều đạt tiêu chuẩn Euro2. Ðây là tiêu chuẩn mà phần lớn các nước trong khu vực đang áp dụng. Sau khi có NMLD, giá dầu thô Bạch Hổ bán cho NMLD Dung Quất tương đương giá xuất khẩu ở cùng thời điểm, mặc dù giá dầu thô bán cho nhà máy không phải chịu thuế xuất khẩu (10%) nhưng lại phải chịu thuế giá trị gia tăng và các khoản thuế theo quy định hiện hành.
Theo kế hoạch tiến độ NMLD Dung Quất sau khi đưa vào vận hành, giai đoạn đầu nhà máy đạt khoảng 50% công suất thiết kế, đến tháng 8-2009 nhà máy sẽ vận hành đạt 100% công suất thiết kế. Ðến khi đạt công suất thiết kế, mỗi tháng nhà máy sẽ đưa ra thị trường gần 150 nghìn tấn xăng các loại, 240 nghìn tấn dầu đi-ê-den (DO), khoảng 23 nghìn tấn LPG cùng các loại sản phẩm khác như 8.000 tấn propylene, xăng máy bay 30 nghìn tấn và khoảng 25 nghìn tấn dầu FO. Với tiến độ sản xuất như hiện nay, trong năm 2009 nhà máy sẽ sản xuất khoảng 2,7 triệu tấn sản phẩm.
Sau khi đi vào sản xuất, các sản phẩm xăng, dầu được phân phối theo nguyên tắc thực hiện cơ chế thị trường cạnh tranh. Nhưng trong giai đoạn đầu vận hành thử công suất còn thấp, vì vậy chưa thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cố định với nhiều nhà phân phối, do lịch giao hàng chưa chủ động được, có thể gây ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước mắt, Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Dầu (PV OIL) và Tổng công ty khí (PV GAS) đảm nhiệm việc phân phối và bao tiêu các loại sản phẩm, bảo đảm tiêu thụ hết các loại xăng, dầu làm ra, an toàn trong quá trình chạy thử. Riêng đối với sản phẩm khí propylene Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn đã ký hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài trong thời gian nhà máy polypolylene chưa hoạt động. Sau giai đoạn vận hành ổn định, bàn giao nhà máy cho Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn việc phân phối sản phẩm được thực hiện theo hình thức đấu giá cho mọi doanh nghiệp có chức năng phân phối sản phẩm xăng, dầu. Dự kiến nhà máy sẽ khấu hao trong vòng 10 năm kể từ khi chính thức đưa vào vận hành.
Về tính toán giá bán sản phẩm, Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã trình phương án tài chính NMLD Dung Quất, Chính phủ mới duyệt khung, trong đó yêu cầu giá xăng, dầu của nhà máy bảo đảm tính cạnh tranh, theo nguyên tắc thị trường, còn công thức tính giá, giá cụ thể là bao nhiêu Chính phủ giao Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Dầu khí quốc gia soạn thảo, trình Chính phủ quyết. Trước mắt, giá xăng, dầu của nhà máy không bán thấp hơn giá xăng, dầu nhập khẩu vì trước hết sản lượng xăng, dầu của NMLD Dung Quất chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng trong nước khi vận hành đạt 100% công suất thiết kế, cho nên phải tuân thủ theo điều hành vĩ mô về giá của Chính phủ, bảo đảm cùng một mặt hàng ở thị trường trong nước không tồn tại hai mức giá. Tiếp đến do giá dầu thô đầu vào của nhà máy khai thác từ mỏ Bạch Hổ của Liên doanh Vietsovpetro được bán với giá tương đương giá xuất khẩu cùng thời điểm, nên cấu thành đầu vào của nhà máy không rẻ hơn. Ngoài ra, hiện nay nhà máy mới đi vào hoạt động, chi phí khấu hao còn lớn, vì vậy phải sau một số năm vận hành chính sách giá sản phẩm mới có thể áp dụng linh hoạt. Ðây là những lý do chính khiến cho giá xăng, dầu sản xuất từ NMLD Dung Quất chưa thể rẻ hơn so với giá xăng, dầu nhập khẩu và nhà sản xuất chưa thể có phương án giảm giá. Trong tình hình cụ thể, khi Chính phủ quyết định điều tiết giá xăng, dầu của NMLD Dung Quất thấp hơn giá thị trường thì giá sẽ được điều chỉnh.
Cơ chế giám sát hoạt động tài chính của nhà máy, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn, khoản chênh lệch giá sẽ được đưa vào ngân sách Nhà nước, Chính phủ sẽ có thêm nguồn thu để chi cho các mục tiêu tái đầu tư, an sinh xã hội và từ đó người dân sẽ được hưởng lợi (trực tiếp và gián tiếp) từ NMLD Dung Quất chứ không nhất thiết phải bán giá rẻ hơn giá thị trường thì người dân mới được hưởng lợi.
Theo dự kiến của Tập đoàn Dầu khí quốc gia đến năm 2010 sẽ áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối đều được tham gia. Theo cơ chế này, công ty nào bỏ giá cao nhất sẽ mua được hàng. Tất cả các hình thức vận hành, điều hành, phân phối sản phẩm của NMLD Dung Quất trực thuộc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ phải bảo đảm tính kinh tế, hiệu quả của dự án để tồn tại và phát triển. Ðồng thời đặt lợi ích của người dân, của sự phát triển đất nước lên trên quyền lợi doanh nghiệp.
(Việt Stock)