Sự kiện trọng đại đón mẻ dầu đầu tiên sau 44 tháng nỗ lực thi công, và lễ khánh thành Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức vào 19 giờ ngày 22/2 tới.
|
Phân xưởng chưng cất dầu thô |
Hành trình của một dự án
Những năm thập niên 80 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương xây dựng một nhà máy lọc dầu trong nước. Sau nhiều lần khảo sát, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho xây dựng một nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước tại Khu công nghiệp Dung Quất- nay là Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi với công suất 6 triệu tấn/năm. Nhà máy này do liên doanh giữa Việt Nam và Nga có tên là Vietros thực hiện.
Sau hơn 7 năm thực hiện, dự án đi vào bế tắc. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định tự chủ đầu tư 2,5 tỷ USD để triển khai xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước. Con đường triển khai của dự án khá gập ghềnh và mãi đến ngày 28/11/2005, dự án mới chính thức được khởi công trở lại.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn/năm, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 338 ha mặt đất và 417 ha mặt biển với cả một tổ hợp gồm 14 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ và 16 hạng mục phụ khác. Nhà máy còn có 6 bể chứa dầu thô, 23 bể chứa trung gian và 22 bể chứa sản phẩm, một hệ thống đường ống gồm 12 tuyến dài hơn 7km dẫn sản phẩm từ nhà máy ra cảng xuất sản phẩm để rót cho tàu chở dầu.
Bên cạnh cảng xuất sản phẩm còn triển khai xây dựng một con đê chắn sóng dài 1,6 km, cao 10m làm nhiệm vụ che chắn sóng cho tàu ra vào bến an toàn.
Nỗ lực của nhà thầu
Để xây dựng công trình này, các nhà thầu đã phải sử dụng 100.000 tấn vật tư, thiết bị; hơn 5 triệu mét đường dây điện và khối lượng sắt thép đủ để xây dựng 20 tháp Eiffel ở Paris. Với một công trình đồ sộ và phức tạp như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà thầu chính Technip (Pháp) đã lựa chọn các nhà thầu phụ uy tín trên thế giới như: Antarakoh (Singapore), Toyo - Tokyo Kyuei (Nhật), Vanoord (Hà Lan) cùng các nhà thầu phụ uy tín, có kinh nghiệm ở Việt Nam như: Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông I (CIENCO I), Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC).... tham gia xây dựng.
Triển khai xây dựng dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu trong quá trình thi công nên công trình này luôn được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam luôn sát cánh cùng các nhà thầu nhằm tháo gỡ những vướng mắc và hỗ trợ kịp thời trong quá trình triển khai xây dựng dự án.
Ông Trương Văn Tuyến- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam- Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết: “Trong quá trình triển khai xây dựng, phía chủ đầu tư đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu không bị vướng thủ tục nào, kể cả thủ tục hải quan nhập khẩu các nguyên vật liệu đặc biệt. Chủ đầu tư cũng đã hỗ trợ nhân lực cho các nhà thầu để họ thực hiện dự án đúng tiến độ đã đề ra một cách nhanh chóng”.
Nhà điều hành Nhà máy lọc dầu
Để xây dựng nhà máy đúng tiến độ đã đề ra, ngày 17/5/2006, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phát động phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đến ngày 30/8/2008, Ban chỉ đạo cũng đã phát động đợt thi đua nước rút "178 ngày đêm đưa nhà máy lọc dầu Dung Quất về đúng tiến độ". Các đợt phát động này luôn được các nhà thầu hưởng ứng tích cực và triển khai sâu rộng đến từng phân xưởng, từng tổ bằng những việc làm cụ thể.
Anh Nguyễn Đăng Khoa- công nhân Công ty lắp máy LILAMA 18 thi công phân xưởng công nghệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhớ lại: “Hưởng ứng đợt phát động này, chúng tôi đã làm việc liên tục 3 ca trong ngày, kể cả ban đêm. Công ty cũng đã tạo điều kiện cho anh em ăn giữa ca và có những phần thưởng đích đáng khi hoàn thành công việc được giao”.
Thời điểm thi công rầm rộ nhất tại công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất có trên 1 vạn lao động luôn có mặt trên công trường. Ở miền Trung thời tiết khắc nghiệt nhưng các nhà thầu và hàng vạn lao động trên công trường đã nỗ lực để đảm bảo tiến độ xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Kỹ Sư Phạm Thế Kiên- Phó Giám đốc Công ty lắp máy LILAMA 691-người đã 4 lần ăn Tết trên công trường cho biết: “Trong 2 tháng mùa mưa năm 2007, thời tiết diễn biến rất phức tạp, chúng tôi đã cấp 500 bộ áo mưa cho anh em trực tiếp làm việc trên công trường liên tục. Nhờ đó mà tiến độ xây dựng được đảm bảo...”.
Niềm tự hào
Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, những nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, sự cố gắng của các nhà thầu còn là niềm tự hào của hàng vạn kỹ sư và công nhân lao động trên công trường đã đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn thành đúng tiến độ. Những mốc quan trọng như: ngày 9/2/2009, Phân xưởng chưng cất dầu thô - phân xưởng quan trọng của nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức đi vào vận hành an toàn.
Ngày 14/2, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cho ra 4 sản phẩm dầu đầu tiên gồm: xăng nguyên liệu, dầu hỏa, dầu nhiên liệu diezel và dầu cặn dùng làm nguyên liệu cho phân xưởng cracking. Ba ngày sau đó (17/2), Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chuyển dầu thành phẩm bằng hệ thống ống dẫn dài 8 km ra khu bể chứa sản phẩm để đưa đi tiêu thụ trên thị trường. Sự kiện quan trọng này đã làm nức lòng hàng triệu người dân Việt Nam và nhất là những người trực tiếp tham gia xây dựng nhà máy.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Ông Nguyễn Văn Hội- Phó Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất bày tỏ: “Chúng tôi - những người trực tiếp lao động trên công trường rất tự hào khi thấy bao nhiêu công sức của mình bỏ ra trong thời gian qua giờ đã được bù đắp, khi thấy nhà máy cho ra những giọt dầu đầu tiên…”.
Theo kế hoạch, tháng 4 tới, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiếp tục cho ra các loại sản phẩm như Xăng A90, A92, A95 và xăng máy bay. Dự kiến đến cuối tháng 6 năm nay, toàn bộ 14 phân xưởng của Nhà máy sẽ đồng loạt hoạt động.
Như vậy, sau nhiều năm triển khai xây dựng bị gián đoạn, giờ đây những giọt dầu đầu tiên mang nhãn hiệu Việt Nam đã được sản xuất thành công tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi mà còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam.
(VOV)