Saudi Aramco, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã báo cáo doanh thu giảm 44% vào năm 2020. Những thiệt hại này phần lớn là do nhu cầu bị phá hủy bởi đại dịch và giá dầu thấp hơn. Công ty dầu mỏ quốc gia của Ả Rập Xê Út đã có một năm đầy khó khăn khi cố gắng tự tái lập mình trở thành nhà sản xuất dầu mỏ quan trọng nhất thế giới trong khi đối phó với một thị trường dầu thảm hại và các mối đe dọa địa chính trị gia tăng.
Mặc dù lợi nhuận giảm nhưng Ả Rập Xê Út vẫn vượt trội hơn so với tất cả các đối thủ cạnh tranh độc lập, khi Shell, BP và ExxonMobil đều báo lỗ buộc phải thoái vốn khỏi các mỏ dầu khí lớn. trong khi đó, Aramco, có vẻ như vẫn lạc quan, khi Giám đốc điều hành Amin Nasser dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 99 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021 và vẫn tăng cao hơn vào năm 2022. Gã khổng lồ dầu mỏ đang liên kết tương lai của mình với nhu cầu dầu của Trung Quốc, khi Nasser xác nhận rằng Saudi sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc đến năm 2050.
Sự lạc quan đến từ ban lãnh đạo Saudi Aramco dường như không hoàn toàn chính đáng, đặc biệt là với lợi nhuận chỉ đạt 49 tỷ USD vào năm 2020. Công ty đã buộc phải cắt giảm kế hoạch chi tiêu cho năm 2021, điều này có thể cản trở các khía cạnh quan trọng trong hoạt động tương lai của gã khổng lồ dầu mỏ này. Với chi phí vốn đầu tư (CAPEX) khoảng 35 tỷ USD cho năm 2021, Aramco sẽ chi tiêu thậm chí còn ít hơn số tiền được nêu trong chỉ tiêu trước đây của công ty. Thị trường dự kiến CAPEX từ 40-45 tỷ USD và sẽ bị thất vọng với mức giảm thêm này. Những diễn biến tiêu cực này hoàn toàn trái ngược với lập trường “cứng rắn” mà gã khổng lồ dầu mỏ đã thực hiện liên quan đến cổ tức của mình. Aramco hiện vẫn giữ nguyên khoản chi trả cổ tức 75 tỷ USD, nhưng những khoản cổ tức đó có thể sẽ sớm chịu thêm áp lực.
Ngoài ra còn có một số diễn biến đáng lo ngại mà thị trường dường như đang bỏ qua. Khi đánh giá hoạt động tổng thể của các công ty dầu mỏ quốc tế, giới phân tích ngày càng lo lắng về mức nợ và khối lượng đầu tư tăng lên. Các nhà phân tích cũng nên sử dụng cách tiếp cận thận trọng tương tự khi đánh giá Aramco, vì tỷ suất lợi nhuận hoặc cổ tức của hãng dường như đang che mờ đi phân tích về mức nợ tổng thể của hãng. So với mức năm 2019, mức nợ tổng thể của Aramco gần như đã tăng gấp bốn lần - một dấu hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư và giới phân tích. Biên lợi nhuận của các hoạt động thượng nguồn vẫn rất hấp dẫn, nhưng lĩnh vực hạ nguồn của Aramco đã gặp khó khăn trong nhiều năm và công ty tiếp tục nhắm đến các mục tiêu mở rộng lớn.
Sự lạc quan hiện đang được thể hiện bởi các quan chức Aramco, đặc biệt là Giám đốc điều hành Amin Nasser, có thể được giải thích một phần bởi thực tế Aramco là một công cụ trực tiếp của chính phủ Ả Rập Saudi. Nhận xét của Nasser nên được hiểu là đến từ vai trò Giám đốc điều hành của Aramco và từ đại diện của chính phủ Riyadh. Chính phủ Ả Rập Xê Út đòi hỏi phải có sự lạc quan vì dù chỉ một chút thay đổi tâm lý từ các quan chức Ả Rập Xê Út cũng có thể đe dọa đến sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong khi nhiều nhà phân tích và phương tiện truyền thông đang tung hô về một “siêu chu kỳ hàng hóa” mới và ám chỉ về khả năng giá dầu đạt 100 USD, thì giá dầu lại lao dốc - cho thấy sự yếu kém trong nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ. Đối với việc các quan chức Aramco liên kết tương lai của Ả Rập Xê-út với cơn khát năng lượng của Trung Quốc, Vương quốc này nên thận trọng với việc Trung Quốc tích cực chuyển đổi để thoát khỏi dầu mỏ.
Từ góc độ nhà đầu tư, rủi ro trải rộng hiện tại sẽ là lo ngại lớn đối với Aramco. Nhìn vào các tuyên bố chính thức được đưa ra, có vẻ như Saudi Aramco đang không đa dạng hóa rủi ro của mình một cách đầy đủ. Kết nối trực tiếp tương lai của hãng với nhu cầu của Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế dường như là một động thái rất rủi ro. Câu hỏi quan trọng mà các nhà phân tích nên đặt ra là tại sao không có một chiến lược tránh rủi ro hơn từ Saudi Aramco khi nói đến Trung Quốc. Trong khi đó, có vẻ như Ấn Độ, quốc gia trong tương lai có thể vượt Trung Quốc về nhu cầu dầu, đang bị bỏ qua. Nhìn vào chiến lược đầu tư hiện tại của Aramco, Ấn Độ không phải là một ưu tiên lớn cho việc đầu tư hay liên doanh. Một lĩnh vực mà Saudi Aramco đang đa dạng hóa là trong kế hoạch sử dụng hydro sản xuất từ khí thiên nhiên (blue hydrogen) kết hợp thu gom, lưu trữ CO2, vốn có rủi ro riêng như một nguồn năng lượng chưa được xác minh.
Mặc dù là một năm có lãi vào năm 2020, nhưng tương lai không hề tươi sáng đối với Aramco. Công ty dường như đang phớt lờ các mối đe dọa địa chính trị và kinh tế trong khi vẫn duy trì mức độ lạc quan phi thực tế. Là một công ty dầu khí quốc gia, Aramco bị hạn chế bởi địa lý và tiềm năng dự trữ. Trái ngược với các công ty dầu mỏ quốc tế lớn, có danh mục đầu tư lưu vực dự trữ đa dạng và phong phú, các khu vực sản xuất chính của Aramco đều nằm trong khu vực rất dễ biến động. Khi một công ty dầu mỏ quốc tế đối mặt với tình trạng bất ổn lớn hoặc các mối đe dọa đối với hoạt động sản xuất của họ, chẳng hạn như Shell và ENI ở Nigeria, hay BP ở Nga, các nhà đầu tư thường sẽ tháo chạy. Việc Iran liên tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng Aramco trong những tuần gần đây là một cảnh báo khác cần được chú ý. Nếu tuyên bố của chính Thái tử Mohammed bin Salman rằng nhiều cổ phần của Aramco sẽ được bán là đúng, thì những rủi ro này phải được giải quyết. Về mặt nội bộ, tài chính của Aramco vẫn gắn liền với tương lai của Vương quốc và các chiến lược đa dạng hóa kinh tế của nước này. Nhu cầu tiền mặt cao nhưng cổ tức được coi là lý do chính để đầu tư vào Aramco, vì vậy có thể sẽ có lúc cần giảm bớt một trong hai khoản này.
Sự lạc quan hiện tại được các quan chức Aramco thể hiện có thể nhanh chóng thay đổi do nhu cầu và giá cả thấp hơn. Đồng thời, nếu Ả Rập Xê Út muốn duy trì vai trò nòng cốt của mình trên các thị trường dầu mỏ toàn cầu thì họ sẽ cần phải tăng cường đầu tư. Chắc chắn có những dấu hiệu đáng lo ngại cho Aramco.
Nguồn tin: xangdau.net