Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Những đề xuất phương án và quan điểm của Bộ Công Thương trong dự thảo sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu

Dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu đã được tổ soạn thảo xây dựng gửi xin ý kiến các Bộ ngành.

Trong tờ trình dự thảo nghị định, Bộ Công Thương đã bày tỏ quan điểm về 11 vấn đề.

Những đề xuất phương án và quan điểm của Bộ Công Thương trong dự thảo sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu
Việc sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu là cần thiết

Thứ nhất, về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu

Hiện nay, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ và giá cơ sở này sẽ làm căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước (nhà nước công bố mức giá điều hành như mức giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống của doanh nghiệp không cao hơn mức giá bán lẻ nhà nước công bố). Các chi phí này biến động liên tục theo thị trường, trong khi việc rà soát, tính toán của cơ quan nhà nước theo định kỳ nên thường sẽ không phản ánh được thực tế chi phí phát sinh doanh nghiệp phải bỏ ra (trong giai đoạn chi phí tăng cao liên tục, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ).

Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Để khắc phục tình trạng trên, Thường trực Tổ biên tập đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, quan điểm của Bộ Công Thương là sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá (có quy định nguyên tắc vận hành của công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể) để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).

Theo Bộ Công Thương, cách tính này sẽ đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Thứ hai, về thời gian điều hành/công bố giá

Trước đây, theo quy định của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 02 kỳ điều hành đã được sửa đổi giảm từ 15 ngày (theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) xuống 10 ngày (cụ thể điều hành vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng). Khoảng thời gian 10 ngày được các doanh nghiệp nhận định là phù hợp với phương thức tính giá mua bán và nhập hàng của các doanh nghiệp, phù hợp với chu kỳ lấy giá để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tổng cục Thống kê… giữ mức ổn định tương đối để thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mục tiêu bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của một số đơn vị và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Tổ biên tập đề xuất 02 phương án quy định về điều hành giá xăng dầu như sau:

Phương án 1:Giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu;

Phương án 2: Sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể trong tuần.

Theo đó, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, thời gian giữa 02 kỳ điều hành/công bố giá được giảm từ 10 ngày xuống 07 ngày và quy định vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ. Lý do nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Thứ ba, về nội dung quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu

Trên thực tế, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Điều này là phù hợp với thực tế do giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố để phản ánh tính thị trường, đồng thời, là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước.

Tuy nhiên, do cũng có các ý kiến của một số đơn vị về vấn đề này, trên cơ sở các nội dung phân tích trên, Thường trực Tổ biên tập đề xuất 2 phương án.

Phương án 1:Không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn;

Phương án 2, quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.

Với nội dung này, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1, không quy định mức chiết khấu tối thiểu với lý do để các doanh nghiệp tự quyết định và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, có sự chia sẻ khó khăn giữa các đại lý với các đơn vị cấp xăng dầu. Trường hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại) các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

Thứ tư, về nội dung cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn

Theo quy định tại Luật Thương mại, đại lý là đơn vị được bên giao đại lý giao hàng để bán theo giá của đơn vị giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá bán hàng hóa tại các đại lý. Mặt hàng xăng, dầu là hàng hóa ở thể lỏng, được chứa đựng chung tại bồn, bể, nên nếu cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không kiểm soát và nắm được đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng, giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng và không bảo đảm sự thống với quy định nêu trên của Luật Thương mại. Do đó, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn (nội dung này hiện được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).

Trường hợp cho phép đại lý lấy từ nhiều nguồn, khi có tình trạng khó khăn về nguồn cung như thời gian vừa qua có thể xảy ra tình trạng không đơn vị nào chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ của đại lý (tương tự như đối với các thương nhân phân phối hiện nay).

Những đề xuất phương án và quan điểm của Bộ Công Thương trong dự thảo sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương cho rằng nên quy định đại lý chỉ được lấy từ 01 nguồn

Với những lý do đó, Bộ Công Thương cho rằng, nên quy định đại lý chỉ được lấy từ 01 nguồn nhằm phù hợp với Luật Thương mại và quyền và nghĩa vụ của đại lý, theo đó đại lý là đơn vị bán hàng cho bên giao đại lý theo giá do bên giao đại lý quyết định và hưởng hoa hồng. Nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, đại lý không có quyền quyết định giá bán và không biết bán theo giá của đơn vị nào.

Thứ năm, về quyền nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu

Hiện cả nước chỉ có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 04 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay. Hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có khoảng gần 17.000 cửa hàng phân bố khắp các vùng miền trên cả nước. Việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu với các điều kiện theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về phương tiện vận tải, kho chứa xăng dầu, phòng kiểm nghiệm xăng dầu, hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý... với quyền về nguồn hàng linh hoạt hơn đại lý bán lẻ xăng dầu đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, cũng do sự linh hoạt về nguồn hàng nên các thương nhân phân phối đã không được các doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm trong việc duy trì, bảo đảm nguồn hàng cung cấp khi nguồn cung xăng dầu trên thị trường gặp khó khăn.

Từ phân tích trên, Thường trực Tổ biên tập đề xuất phương án sửa đổi về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối theo hướng:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định như hiện hành về quyền của thương nhân phân phối xăng dầu.

Phương án 2: Sửa đổi quyền của thương nhân phân phối không được mua hàng của thương nhân phân phối khác, chỉ được mua hàng từ đầu mối.

Phương án 3: Sửa đổi quy định về quyền của thương nhân phân phối theo hướng quy định thương nhân phân phối chỉ được lấy tối đa từ 03 thương nhân đầu mối.

Theo đó, Bộ Công Thương chọn phương án 3, thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ tối đa 03 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu. Lý do là nhằm kiểm soát tốt hơn số lượng đơn vị cấp hàng cho hệ thống của thương nhân phân phối nhưng vẫn bảo đảm sự linh hoạt cho thương nhân phân phối, nhất là những thương nhân phân phối có địa bàn kinh doanh rộng khắp trên cả nước có thể lựa chọn lấy hàng của 03 đơn vị đầu mối tại 03 miền đất nước.

Thứ sáu, về quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu

Theo quy định hiện hành, các quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối tại các Nghị định cơ bản đã đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động kinh doanh bình thường của thương nhân đầu mối và công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua cho thấy, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn (kinh doanh thua lỗ liên tục), một số thương nhân đầu mối đã kiến nghị về việc Nhà nước đưa ra yêu cầu về nghĩa vụ của thương nhân như việc duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường hoặc duy trì dự trữ lưu thông bắt buộc, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ để bảo đảm việc thực hiện được các nghĩa vụ nêu trên của doanh nghiệp theo hướng bố trí nguồn ngân sách nhà nước dự phòng để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp nhằm cung cấp nguồn vốn không lãi suất cho các doanh nghiệp khi cần thiết phải bổ sung nguồn cung (cao hơn mức tổng nguồn đã được phân giao) và cung ứng cho thị trường theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền (Chính phủ hoặc Bộ Công Thương); xem xét có phương án hỗ trợ về chi phí tài chính, lưu kho cho việc dự trữ lưu thông bắt buộc của doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp (khi dữ trữ của Nhà nước còn hạn chế).

Từ phân tích trên, Thường trực Tổ biên tập đề xuất một số phương án như sau:

Phương án 1: Giữ nguyên các quy định như hiện hành về quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu;

Phương án 2: Bổ sung quy định về nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường (kể cả trường hợp vượt mức tổng nguồn đã được phân giao), đồng thời có quy định về biện pháp hỗ trợ tài chính (cấp vốn vay không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất vay) để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ này theo chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Xem xét có phương án quy định về việc tính chi phí duy trì dự trữ lưu thông bắt buộc của doanh nghiệp vào chi phí tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu hoặc Nhà nước có chính sách hỗ trợ từ ngân sách theo định mức (có thể tính theo mức chi phí dự trữ quốc gia) đối với khoản chi phí này.

Với quan điểm của mình, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1, theo đó tiếp tục quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối như hiện hành.

Nguyên nhân là do các nghĩa vụ hiện tại theo quy định đã là tương đối đủ với thương nhân đầu mối trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, phải chi cho nhiều mục tiêu khác. Trường hợp cần có vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng, Nhà nước cần có định hướng tăng năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu.

Thứ bảy, về ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu (Bộ Công Thương)

Hiện nay, theo chức năng nhiệm vụ được giao tại các Luật và Nghị định liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, mặt hàng xăng dầu hiện chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều bộ, ngành khác nhau gồm: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên môi trường; Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389)… Do đó, theo ý kiến của Bộ Công Thương, việc quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành chức năng theo từng lĩnh vực quản lý.

Trên cơ sở đó, Thường trực Tổ biên tập đề xuất một số phương án về đầu mối như sau: Phương án 1: Giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu;

Phương án 2: Đối với nội dung điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính thực hiện theo đúng chuyên môn nghiệp vụ và chức năng nhiệm vụ được giao. Các Bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định;

Phương án 3: Đối với nội dung điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương thực hiện. Các Bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.

Với những phương án đó, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao. Việc lựa chọn này nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về 01 đầu mối và phù hợp với chức năng nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.

Thứ tám, về quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng.

Có một số ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì không hiệu quả. Theo ý kiến của Bộ Công Thương, do Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành giá. Nếu bỏ Quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu. Thời gian qua, Quỹ BOG xăng dầu đã được Liên Bộ Công Thương – Tài chính sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng quá mạnh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Từ những nội dung phân tích nêu trên Thường trực Tổ biên tập đề xuất phương án quy định đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định về quản lý Quỹ bình ổn giá hiện hành;

Phương án 2: Tiếp tục giữ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Phương án này để vừa bảo đảm Nhà nước có thể điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào giá xăng dầu;

Phương án 3: Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Với nội dung này, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó tiếp tục có quy định về Quỹ bình ổn giá, tuy nhiên, có quy định cụ thể về các trường hợp phải sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá (trích lập và chi), đồng thời công thức giá có sự thay đổi theo hướng nhà nước chỉ công bố giá định hướng gồm các yếu tố về giá thế giới, các loại thuế, lợi nhuận định mức, các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán

Lý do lựa chọn nhằm bảo đảm giá xăng dầu dần theo thị trường, phản ánh đủ chi phí phát sinh của doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giưac các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường.

Thứ 9, về phương thức phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu

Theo ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cần được thực hiện theo hướng phân giao cụ thể cả nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu, đồng thời có quy định cụ thể về tiến độ thực hiện tổng nguồn.

Theo quy định hiện hành, việc phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được thực hiện theo hướng Nhà nước chỉ giao tổng nguồn xăng dầu phải thực hiện hàng năm của doanh nghiệp, không can thiệp vào cơ cấu nguồn và thời gian thực hiện cụ thể của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết. Quy định nêu trên nhằm tăng tính tự chủ trong thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ can thiệp khi nguồn cung trên thị trường có biến động bất thường.

Tuy nhiên, sau khủng hoảng nguồn cung thời gian vừa qua, mặc dù nguyên nhân không phải do quy định này, trên cơ sở kiến nghị của các đơn vị, Thường trực Tổ biên tập đề xuất phương án rà soát đối với nội dung này như sau:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định như hiện hành về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu;

Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung quy định về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo hướng quy định chi tiết nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu, đồng thời xem xét quy định tiến độ thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Theo đó, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1, tiếp tục phân giao theo tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho từng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải tự chủ động nguồn mua trong nước hoặc nhập khẩu theo khả năng đàm phán với các đơn vị cung cấp và lợi thế kinh doanh của đơn vị mình. Lý do nhằm bảo đảm tính tự chủ của doanh nghiệp và không giàng buộc trách nhiệm của Nhà nước trong việc bao tiêu sản phẩm sản xuất trong nước (khi nguồn cung trên thị trường dồi dào, nguồn nhập khẩu có lợi thế). Khi nguồn cung khó khăn hơn, nguồn trong nước có lợi thế, các doanh nghiệp tự đàm phán do tổng cung từ sản xuất trong nước vẫn chỉ để phục vụ thị trường nội địa.

Thứ mười, về dự trữ lưu thông bắt buộc

Ý kiến của một số doanh nghiệp và Sở Công Thương, đề nghị xem xét quy định cụ thể về cách tính dự trữ lưu thông, giảm thời gian dự trữ lưu thông hoặc có chính sách hỗ trợ việc thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông bắt buộc. Theo quy định hiện hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện việc dự trữ lưu thông bắt buộc tương đương 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước; thương nhân phân phối xăng dầu phải thực hiện việc lưu thông bắt buộc tương đương 05 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước. Việc quy định này nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu khi thị trường có biến động bất thường trong một khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp có thời gian bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khi hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, việc thực hiện nghĩa vụ nêu trên đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí kinh doanh nhưng chi phí này chưa được tính cụ thể vào giá xăng dầu điều hành của nhà nước gây bất lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, một số đơn vị chức năng có thắc mắc về cách xác định lượng dự trữ lưu thông cụ thể của từng doanh nghiệp…

Từ những vấn đề trên, Thường trực Tổ biên tập đề xuất rà soát nội dung này theo hướng:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc, các quy định về thời gian dự trữ đã được quy định theo sản lượng tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước; Phương án 2: Sửa đổi quy định theo hướng rà soát lại phương pháp tính số ngày dự trữ lưu thông bắt buộc, có phương án hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các chi phí phát sinh để thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông bắt buộc (thông qua hỗ trợ từ ngân sách hoặc tính vào giá điều hành).

Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1, theo đó tiếp tục quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc 20 ngày tiêu thụ bình quân đối với thương nhân đầu mối kinh doanh, 5 ngày tiêu thụ bình quân đối với thương nhân phân phối, các doanh nghiệp tự dự trữ bằng nguồn lực của doanh nghiệp. Lựa chọn này nhằm tránh phát sinh chi phí từ ngân sách nhà nước, không tăng thêm trách nhiệm cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Thứ 11, rà soát các điều kiện về kinh doanh xăng dầu

Hiện nay, các ý kiến góp ý gửi về Bộ Công Thương đang có các luồng ý kiến rất khác nhau về vấn đề này. Một số ý kiến đề xuất nên giảm một số điều kiện về kinh doanh xăng dầu hiện hành. Một số ý kiến đề xuất nên tăng điều kiện, siết lại việc gia nhập thị trường xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Trên cơ sở các luồng ý kiến nêu trên, Thường trực Tổ biên tập đề xuất rà soát quy định về điều kiện theo hướng:

Phương án 1: Rà soát giảm một số điều kiện đối với doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh xăng dầu;

Phương án 2: Rà soát tăng điều kiện đối với doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh xăng dầu;

Phương án 3: Cơ bản giữ nguyên các quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh xăng dầu, rà soát lại và quy định cụ thể hơn với những điều kiện có thể gây ra những cách hiểu khác nhau.

Bộ Công Thương lựa chọn phương án 3, theo đó tiếp tục quy định các điều kiện về kinh doanh xăng dầu như hiện hành, rà soát các quy định về điều kiện để quy định cụ thể hơn, tránh việc có cách hiểu khác nhau đối với một điều kiện gây khó khăn cho quá trình thực thi. Lý do bởi trước mắt các điều kiện hiện hành vẫn tương đối phù hợp, tuy nhiên, do một số điều kiện còn có cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi nên cần có giải thích cụ thể hơn.

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2020, Công văn số 4326/VPCP-KTTH ngày 01 tháng 12 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, theo đó, Bộ Công Thương được giao xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong tháng 01 năm 2023, bảo đảm tiến độ, chất lượng...

 

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM