“Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến biên giới, đặc biệt vùng biển vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thách thức lực lượng chức năng…”.
Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ một vụ buôn lậu xăng dầu trên biển.
Đại tá Đỗ Ngọc Toàn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chia sẻ với phóng viên TBTCVN về kết quả và thách thức trong công tác chống buôn lậu trong thời gian qua.
PV: Xin ông cho biết đôi nét về kết quả công tác chống buôn lậu của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong thời gian qua và những thách thức mà lực lượng chức năng đang phải đối mặt?
Ông Đỗ Ngọc Toàn: Năm 2016 và quý I/2017, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu hiệu quả. Trong năm 2016, Bộ đội biên phòng đã phát hiện, xử lý 2.756 vụ/2.989 đối tượng, tăng 254 vụ/552 đối tượng so với năm 2015, tang vật bắt giữ khoảng 415 tỷ đồng. Chỉ tính từ đầu năm đến 15/3, lực lượng Bộ đội Biên phòng trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý 331 vụ buôn lậu/373 đối tượng…
Mặc dù đã quyết liệt vào cuộc, song thực tế buôn lậu vẫn diễn ra phức tạp, phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy rất tinh vi, manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ.
Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình biên giới nước ta trải dài, có nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch cùng với thời tiết khắc nghiệt, trong khi trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đấu tranh còn thiếu, công suất thấp, lạc hậu nên công tác chống buôn lậu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trên tuyến biển.
Trong đó, những mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, các loại hàng tiêu dùng... được buôn lậu nhiều nhất. Trên các vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam hoạt động buôn lậu than, xăng, dầu, thuốc lá điếu... còn phức tạp.
PV: Trên thực tế có hiện tượng buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài qua đường biển vào Việt Nam mà cơ quan chức năng đã phát hiện bắt giữ, vậy theo ông đâu là căn nguyên dẫn đến hiện tượng này?
Ông Đỗ Ngọc Toàn: Hoạt động buôn lậu, vận chuyển, sang mạn trái phép xăng dầu diễn biến phức tạp, nhức nhối trên biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nguồn tin: Thoibaotaichinhvietnam
Trong năm 2016, lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, thu giữ hơn 10 triệu lít xăng dầu lậu. Gần đây, tại vùng biển ở Phú Yên, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ hơn 5 triệu lít dầu của một tàu nước ngoài đang vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ. Chuyển cơ quan chức năng xử lý, bán phát mại toàn bộ số hàng hóa này và nộp ngân sách nhà nước 61 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng người nước ngoài như: Campuchia, Thái Lan, Mông Cổ, Dominica, Malaysia, Trung Quốc trên các tuyến biên giới trong dịp Tết Đinh Dậu đã tăng cả về số vụ, số đối tượng cũng như tang vật. Do chênh lệch giá xăng dầu (xăng dầu lậu trốn thuế) trong nước và khu vực, các đối tượng sử dụng thủ đoạn móc nối, trực tiếp liên lạc với đầu nậu ở trong nước để vận chuyển xăng dầu đến vùng lãnh hải nước ta và tìm cách vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Những vụ việc phát hiện, bắt giữ, chúng tôi cũng đã có đề xuất các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh để ngăn chặn tình trạng này.
PV: Để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu trên biển, năm 2017, Bộ đội Biên phòng sẽ triển khai áp dụng những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Toàn: Để tăng cường công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán hàng cấm, hàng lậu, đặc biệt là đối với các mặt hàng xăng, dầu trên biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã xây dựng kế hoạch chuyên đề, trong đó có chống buôn lậu xăng dầu trên biển. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan (hải quan, cảnh sát biển), thu thập thêm thông tin xác lập chuyên án, triệt phá đường dây buôn lậu trên biển.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ như áp dụng chiến thuật các lực lượng “đánh chéo” địa bàn để đảm bảo yếu tố bí mật và nhiều biện pháp khác trong những đợt cao điểm.
Hơn nữa, để giải quyết được tình trạng buôn lậu xăng, dầu trên biển, bên cạnh việc tăng cường hiệu quả đấu tranh của các lực lượng chức năng, một giải pháp cần tính đến là phát triển hậu cần dịch vụ phục vụ việc đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân.
Trên thực tế, thời gian qua do chênh lệch giá xăng dầu, các tàu đánh cá xa bờ thường chỉ mua đủ lượng dầu để ra khơi, nhưng khi hoạt động dài ngày trên biển, bà con ngư dân vẫn mua dầu của đường dây buôn lậu trên biển. Do đó, rất cần thiết phải tính toán các phương án hậu cần nghề cá trên biển, đáp ứng nhu cầu của ngư dân.