Ấn Độ là một trong những động lực lớn nhất của tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu và từ lâu đã là yếu tố hàng đầu trong dự báo giá. Với một nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc, thậm chí có thể nhanh hơn, Ấn Độ là yếu tố thúc đẩy giá dầu và khí đốt tăng. Nhưng điều này có thể sắp thay đổi. Nỗ lực kiềm chế lạm phát của ngân hàng trung ương toàn cầu đã tập trung vào việc tăng lãi suất ngay cả khi chúng có nguy cơ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Các nước phát triển đã và đang gánh chịu hậu quả của chính sách tiền tệ này. Giờ đây, nó đang lan sang các nước đang phát triển và cụ thể là Ấn Độ.
Nhà báo John Kemp của Reuters đã lưu ý trong một chuyên mục gần đây rằng Ấn Độ đang chịu tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ khi lãi suất cao hơn dẫn đến dòng chảy thương mại yếu hơn, điều mà ông cho rằng có thể sẽ dẫn đến nhu cầu năng lượng yếu hơn ở tiểu lục địa này.
Kemp viết: Sản lượng điện của Ấn Độ tăng mạnh vào đầu năm nay và mức tiêu thụ dầu đạt mức cao kỷ lục 201 triệu tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, sản lượng sản xuất bắt đầu giảm khi ngân hàng trung ương làm theo các tổ chức tài chính hàng đầu khác và nâng lãi suất trên 6%.
Tất cả những điều này có thể làm giảm tăng trưởng nhu cầu dầu khí tại một trong những quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới nhưng vẫn còn phải xem mức độ tăng trưởng như thế nào. Trong khi đó, Nga đã thay thế Iraq để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ khi các nhà nhập khẩu trong nước tận dụng chiết khấu đáng kể đối với dầu thô của Nga. Các nhà máy lọc dầu cũng có thể đang chuẩn bị cho sự gia tăng xuất khẩu nhiên liệu sau khi lệnh cấm của EU đối với nhiên liệu của Nga có hiệu lực từ ngày 5/2.
Một báo cáo gần đây của Reuters dẫn lời các nhà máy lọc dầu Ấn Độ cho biết họ không nghĩ sẽ có bất kỳ sự gián đoạn nào trong xuất khẩu nhiên liệu sang châu Âu do lệnh cấm vận. Theo các điều khoản của lệnh cấm, EU có thể mua nhiên liệu được sản xuất từ dầu thô của Nga miễn là chúng được sản xuất bên ngoài nước Nga.
Ấn Độ là một trong những nước tiêu thụ năng lượng phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều nhất trên thế giới, với lượng dầu thô nhập khẩu đáp ứng hơn 80% nhu cầu. Điều này làm cho Ấn Độ rất nhạy cảm với việc giá tăng và cũng là một trong những nước tìm kiếm mặc cả tích cực nhất trên thị trường dầu mỏ.
Nếu giá tăng, điều này sẽ góp phần làm giảm nhu cầu ở tiểu lục địa, nhưng nó có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Một dự báo từ BloombergNEF gần đây cho rằng Ấn Độ sẽ vẫn là một trong những động lực lớn nhất của sự tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cùng với Trung Quốc, mặc dù vì những lý do khác nhau.
Trong khi đối với Trung Quốc, các phân khúc có nhu cầu lớn nhất sẽ là vận tải và hóa dầu, thì ở Ấn Độ, yếu tố chi phối sẽ là vận tải. Theo BloombergNEF, lượng tiêu thụ từ phương tiện chở khách trên tiểu lục địa dự kiến sẽ tăng đáng kể trong những năm tới, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh hơn.
Vận chuyển hàng hóa cũng là một phân khúc tăng trưởng rất lớn đối với nhu cầu dầu ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới. BloombergNEF dự báo đến năm 2050, nhu cầu vận tải hàng hóa ở Ấn Độ sẽ tăng gấp ba lần so với mức hiện tại, biến nước này thành thị trường vận tải hàng hóa lớn nhất.
Trong thời gian đó, việc áp dụng xe điện EV ở Ấn Độ sẽ chậm hơn và nhiều thách thức hơn, dự báo cũng cho biết, mặc dù các tổ chức dự báo lưu ý rằng họ kỳ vọng phương tiện chở khách chạy bằng điện sẽ trở nên hợp lý hơn sau năm 2030, điều này sẽ kích thích sự tiêu thụ.
Hàng không sẽ là một đóng góp khác cho nhu cầu dầu của Ấn Độ. Tăng trưởng trong lĩnh vực này sẽ vượt xa các quốc gia khác, kích thích nhu cầu nhiên liệu trong dài hạn. Theo BloombergNEF, nhu cầu nhiên liệu máy bay ở tiểu lục địa này sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch ngay từ năm tới.
Ấn Độ có thể chứng kiến mức tăng trưởng dầu khí chậm hơn trong năm tới do những thay đổi trong dòng chảy thương mại bởi các chính sách tiền tệ trên toàn thế giới gây ra, nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra tạm thời. Về lâu dài, triển vọng nhu cầu hydrocarbon của Ấn Độ vẫn khá lạc quan bất chấp các mục tiêu chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng của quốc gia này.
Nguồn tin: xangdau.net