Sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 5 ở mức 5,02 USD/gallon, giá xăng trung bình tại Mỹ đã giảm trong 70 ngày liên tiếp và giao dịch ở mức 3,88 USD/gallon vào thứ Tư, đánh dấu chuỗi giảm dài thứ hai trong hai thập kỷ.
Nhưng các chuyên gia hiện đang cảnh báo người tiêu dùng không nên bị ru ngủ trong cảm giác tin tưởng sai lầm khi nghĩ rằng giá giảm sẽ kéo dài. Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance Live, Rebecca Babin, nhà kinh doanh năng lượng cấp cao tại CIBC Private Wealth, đã cảnh báo hai yếu tố có thể gây áp lực tăng giá xăng: dự trữ và các lệnh trừng phạt.
“Ngay cả khi nhu cầu xăng giảm xuống thì nguồn cung cũng sẽ giảm theo, và tôi không thấy sự thoái lui đáng kể. Nếu có, thì tôi nghĩ rằng giá xăng trung bình trên cả nước có thể sẽ tăng từ đây”, Babin nhận định.
Babin lưu ý rằng việc giải phóng kho dự trữ dầu khổng lồ SPR của chính quyền Biden sẽ kết thúc vào tháng 11 trong khi châu Âu sẽ thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Nga vào tháng 12. Bà cho rằng cả hai yếu tố này đều có thể làm cắt giảm nguồn cung dầu, đẩy giá lên cao hơn và ảnh hưởng đến xăng. Vấn đề phức tạp là điều này sẽ diễn ra cùng thời điểm bước vào mùa sưởi ấm ở Bắc Mỹ, có nghĩa là các nhà máy lọc dầu sẽ có xu hướng lọc dầu thô thành dầu sưởi thay vì xăng hơn.
Kể từ đầu tuần, giá dầu thô đã cắt bớt mức giảm trước đó sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết thị trường giá xuống hiện tại có thể đòi hỏi OPEC+ thắt chặt sản xuất vì giá giao sau không phản ánh các yếu tố cơ bản về cung và cầu.
Ông cảnh báo: “Sự biến động mạnh và thiếu thanh khoản trên thị trường kỳ hạn đang dịch chuyển giá theo những cách không phù hợp với các yếu tố cung và cầu thông thường, điều này có thể khiến OPEC+ phải hành động”.
Javier Blas, nhà báo của chuyên mục Bloomberg Opinion cho biết giá dầu 100 đô la có nhiều khả năng hơn sau những bình luận của bin Salman.
Nguồn tin: xangdau.net