Bộ Công Thương lấy ý kiến gỡ khó cho kinh doanh xăng dầu; OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ; Ba Lan, Đức quốc hữu hóa tài sản của công ty khí đốt Nga Gazprom… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 15/11/2022.
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng 2,55 triệu thùng/ngày, tương đương 2,6%, giảm 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Ảnh minh họa: Hartenergy |
Bộ Công Thương lấy ý kiến gỡ khó cho kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố về việc liên quan đến sửa đổi quy định kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Những vấn đề Bộ Công Thương cần lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, cụ thể như về chu kỳ điều hành giá xăng dầu; quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân; quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu...
Bộ Công Thương đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh thành phố tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 83 và Nghị định 95, có ý kiến đối với các nội dung đề xuất sửa đổi nêu trên và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung khác (nếu có). Đồng thời, Bộ cũng đề nghị cử đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tham gia ban soạn thảo và tổ biên tập Nghị định sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95.
OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ
Ngày 14/11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022, viện dẫn những thách thức kinh tế ngày càng lớn, trong đó có lạm phát và lãi suất cao. Đây là lần thứ 5 OPEC hạ dự báo nhu cầu kể từ tháng 4 năm nay.
Trong báo cáo hằng tháng, OPEC nêu rõ nhu cầu dầu mỏ của năm 2022 sẽ tăng 2,55 triệu thùng/ngày, tương đương 2,6%, giảm 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC cho biết nền kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong quý IV/2022.
OPEC dự báo năm tới nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm 2,24 triệu thùng/ngày, thấp hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC nhận định bên cạnh những rủi ro, vẫn còn nhiều nhân tố tích cực tác động đến kinh tế. Vì vậy, tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2022 và 2023.
Ba Lan, Đức quốc hữu hóa tài sản của công ty khí đốt Nga Gazprom
Chính phủ Ba Lan ngày 14/11 thông báo sẽ tiếp quản tài sản tại Ba Lan của Công ty khí đốt Gazprom của Nga. Theo đó, Ba Lan sẽ tiếp quản cổ phần của Công ty EuRoPol Gaz, chủ sở hữu đoạn tại Ba Lan của đường ống dẫn khí Yamal-Europe, một phần quan trọng của hệ thống vận chuyển khí đốt tự nhiên tại Ba Lan.
Chính phủ Ba Lan khẳng định việc tiếp quản là cần thiết cho an ninh năng lượng của nước này. Trên thực tế, Gazprom có 48% cổ phần của EuRoPol Gaz, trong khi 48% khác thuộc sở hữu của Công ty PGNiG của Ba Lan, còn 4% cổ phần còn lại thuộc về Gas Trading của Tập đoàn PKN Orlen.
Ngay sau quyết định của Ba Lan, Đức cũng tuyên bố sẽ quốc hữu hóa công ty con cũ của Gazprom là Công ty Bảo đảm năng lượng châu Âu (SEFE), còn gọi là Công ty Gazprom Germania. Theo Đức, việc quốc hữu hóa SEFE do lo ngại công ty này mất khả năng thanh toán, qua đó có thể "đe dọa đến an ninh nguồn cung năng lượng của Đức".
AfDB thúc đẩy sáng kiến "Biến sa mạc thành năng lượng"
Tại một sự kiện trong khuôn khổ COP27, Giám đốc điều hành khu vực châu Phi của Liên minh Năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh đã công bố kế hoạch phân bổ 35 triệu USD cho Quỹ Năng lượng Bền vững châu Phi (SEFA). Bộ trưởng Phát triển Quốc tế của Na Uy cũng đã công bố khoản đóng góp 300 triệu kroner Na Uy (khoảng 29 triệu USD) từ chính phủ nước này để hỗ trợ SEFA.
Với chủ đề "Biến sa mạc thành năng lượng: chuyển Sahel từ trạng thái mong manh sang khả năng phục hồi và thịnh vượng", sự kiện là cơ hội để trình bày chi tiết về sáng kiến Desert to Power (Biến sa mạc thành năng lượng) do AfDB phát động vào năm 2019 cho các đối tác tiềm năng và tập hợp các nhà đầu tư để triển khai chương trình.
Chủ tịch AfDB, Akinwumi Adesina, nhấn mạnh tầm quan trọng của điện trong việc đảm bảo an ninh và giảm nghèo. Desert to Power là một sáng kiến trị giá 20 tỉ USD nhằm tạo ra 10.000 MW điện năng lượng mặt trời. Một khi được triển khai thành công, đây sẽ là khu vực sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới.
Nguồn tin: PetroTimes