Từ vùng đồng bằng rộng lớn Bắc Dakota của Mỹ cho tới các vùng nước sâu của Braxin, hàng chục dự án dầu mỏ và khí đốt lớn đã phải ngừng lại hoặc bị hủy bỏ trong những tuần gần đây, do các công ty đang phải vật lộn để điều chỉnh bởi sự sụp đổ của thị trường năng lượng.
Báo "International Herald Tribune" ngày 16/12 cho biết hiện nay, giá dầu giảm đang được người tiêu dùng ở khắp thế giới, nhất là ở Mỹ và các nước đánh thuế cao về chi phí xăng và các nhiên liệu khác, hoan nghênh. Nhưng việc trì hoãn các dự án có thể làm giảm nguồn cung cấp dầu trong tương lai và giới phân tích lo ngại rằng sự trì hoãn này có thể gây ra một đợt tăng giá dầu nhanh khác một khi nền kinh tế tế giới phục hồi.
Các thị trường dầu đã trải qua những đợt tăng giá mạnh nhất và rồi giảm xuống mức kỷ lục chỉ trong vài tháng trong năm nay. Giờ đây, khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã xuất hiện và nhu cầu tiêu thụ dầu giảm xuống, sự biến động cực độ của thị trường đang khiến các giám đốc năng lượng gặp khó khăn trong việc vạch kế hoạch cho tương lai. Vì vậy, chi phí khai thác, vốn đã tăng lên mức kỷ lục trong năm nay, đang giảm mạnh. Danh sách các dự án bị trì hoãn đang tăng lên từng tuần. Các giếng dầu bị đóng cửa ở khắp nước Mỹ, các nhà máy lọc dầu mới bị hoãn xây dựng ở Ảrập Xêút, Côoét và Ấn Độ. Các kế hoạch khoan dầu ngoài khơi đầy tham vọng ở bờ biển châu Phi đang bị xem xét lại. Hơn nữa, theo các nhà phân tích, đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế như sức gió và nhiên liệu sinh học, vốn tăng mạnh trong những năm gần đây, sẽ cạn kiệt nếu giá dầu vẫn ở mức thấp trong vài năm tới. Các ngân hàng đã trở thành những người cho vay bất đắc dĩ, đặc biệt cho những dự án năng lượng được làm mới lại có thể không mang lại lợi nhuận trong kỷ nguyên giá dầu và nhiên liệu thấp. Giá dầu giảm mạnh kể từ Mùa hè đã nhắc nhở rằng giống như mọi hàng hóa khác, dầu mỏ là ngành kinh doanh mang tính chu kỳ. Khi nhu cầu và giá giảm sút, các công ty năng lượng ngừng kế hoạch đầu tư của họ, dẫn đến nguồn cung sụt giảm. Khi nhu cầu phục hồi, giá tăng lên, thì một chu kỳ mới lại bắt dầu. Những thay đổi lần này diễn ra một cách nhanh kỷ lục.
Trong tháng 6/08, một số nhà phân tích còn dự đoán giá dầu có thể lên tới 200 USD/thùng, nhưng giờ chỉ còn dưới 50 USD/thùng. Không ai biết nó còn xuống thấp đến đâu. Ông Daniel Yergin, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Cambridge (CERA) và là tác giả cuốn "Giải thưởng, một lịch sử kinh doanh dầu", nhận định: "Đó là một chu kỳ kinh điển. Giá dầu giảm quá nhiều và quá nhanh, làm choáng váng hệ thống cung cấp".
Theo nhà phân tích Peter Jacksson, thuộc CERA, nhận định: "Việc trì hoãn các dự án năng lượng có thể ngăn cản các nguồn cung nhiên liệu toàn cầu tương đương 4 triệu thùng/ngày trong 5 năm tới, chiếm 5% nguồn cung hiện nay". Một lý do khiến các dự án án bị đóng cửa quá nhanh là do chi phí của toàn ngành công nghiệp, vốn tăng mạnh trong những năm gần đây, vẫn tăng lên bất chấp giá dầu giảm. Nhiều công ty đang chờ những chi phí này giảm xuống trước khi quyết định liệu có nên tiếp tục các dự án mới không. Theo hãng tư vấn năng lượng PFC, chi phí khai thác và sản xuất đã lên tới 329 tỷ USD năm 2007, và con số này chắc chắn sẽ giảm đi.
Các kế hoạch cắt giảm lớn nhất đến nay là những dự án dầu nặng của Canađa, một trong những nơi tập trung chi phí sản xuất cao nhất thế giới. Một số công ty khai thác dầu ở đây nói rằng giá dầu ở mức 90 USD/thùng họ mới có lãi. TatoilHydro, một công ty dầu lớn của Na Uy, gần đây đã phải rút dự án trị giá 12 tỷ USD ở Canađa do giá dầu giảm mạnh. Trong khi đó, các công ty Shell, Nexen, Petro-Canada, đều đã hủy hoặc trì hoãn các dự án mới ở tỉnh Alberta (Canađa) trong những tuần gần đây.
Giá dầu giảm cũng làm giảm đầu tư ngay cả ở những nơi chi phí sản xuất thấp. Vua Arập Xêút Abdullah gần đây cho rằng 75 USD/thùng dầu là "mức giá phải chăng". Arập Xêút, đã đầu tư hàng chục tỷ USD trong những năm gần đây để tăng sản lượng, mới đây thông báo 2 dự án lọc dầu mới với công ty ConocoPhillips và công ty Total của Pháp đã bị hoãn lại cho tới khi chi phí giảm hơn. Ở Côoét, chính phủ gần đây đã "xếp xó" dự án xây dựng nhà máy lọc dầu thứ 4, trị giá 15 tỷ USD, của nước này, nhu cầu dầu của thế giới ngày càng giảm hơn.
Công ty dầu lửa quốc gia Petro SA (Nam Phi) ngày 11/12 thông báo hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy chuyển than thành nhiên liệu lỏng. Công ty dầu khổng lồ Anh-Nga TNK-BP cũng giảm 1 tỷ USD chi phí đầu tư trong năm tới.
Tại Bắc Nakota, Mỹ, các nhà khoan dầu cũng đang giảm lượng khai khác ở Baklen Shale, nơi được coi là đầy triển vọng nhưng có chi phí sản xuất tốn kém hơn các nơi khác. Một nhà sản xuất khác của Mỹ là Callon Petroleum cũng ngừng một sự án khai thác ở vùng nước sâu vịnh Mêhicô, gọi là Entrada. Theo các phân tích tại hãng môi giới Raymond James, hoạt động khoan dầu của Mỹ có thể giảm 41% trong năm 2009, do các công ty giảm quy mô khai thác.
(ViệtStock)