Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2019. Trong đó, nhiều công ty trong ngành Dầu khí có tên trong danh sách gồm: GAS, PVT, POW, DPM, PVI.
Trong đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, MCK: GAS) lần thứ 7 liên tục xuất hiện trong danh sách. PV GAS là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đóng góp khoảng 22% doanh thu và 28% lợi nhuận toàn tập đoàn trong năm 2018. PV GAS cũng là một trong những công ty quy mô nhất trên sàn chứng khoán. PV GAS quản lý bốn hệ thống dẫn khí (Hàm Rồng – Thái Bình, Cửu Long, Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau), cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 30% sản lượng điện, gần 70% nhu cầu đạm, đáp ứng gần 60% thị phần LPG (khí hóa lỏng) cả nước. Với việc giá dầu thô tăng khoảng 28%, doanh thu năm 2018 của PV GAS tăng hơn 17%. Công ty đạt 11.457 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, xếp thứ ba thị trường chứng khoán sau Vietcombank và Vinhomes.
PV GAS lần thứ 7 liên tiếp vào top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam
Niêm yết đầu năm 2019, đây là lần đầu Tổng Công ty Điện lực Dầu khí - CTCP (PVPower, MCK: POW) xuất hiện trong danh sách. Là nhà cung cấp điện lớn thứ hai cả nước (sau EVN), PVPower sở hữu tám nhà máy điện với tổng công suất thiết kế hơn 4.000 MW phần lớn là điện khí. Hằng năm, PVPower đưa lên lưới điện quốc gia hơn 21 tỉ Kwh, chiếm 11% sản lượng điện thương phẩm quốc gia. Theo Công ty chứng khoán ACB, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trung bình từ 8 - 10%/năm sẽ giúp ngành điện tiếp tục tăng trưởng đến năm 2030. PVPower cũng đã được chính phủ phê duyệt đầu tư hai nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất 1.500MW và dự kiến xây dựng để phát điện vào năm 2023 – 2024.
Là thành viên của PVN, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, MCK: PVT) là doanh nghiệp vận tải biển đảm nhận vận chuyển toàn bộ dầu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, 30% dầu thành phẩm, 90% khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), 10% thị phần vận chuyển than và chiếm 10% thị phần kho nổi FSO, theo công ty chứng khoán Bản Việt. Năm 2018, nắm bắt cơ hội từ thị trường, PVT thực hiện việc trẻ hóa đội tàu để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng tổng số tàu từ 18 lên 25 chiếc. 2018 cũng là năm đầu tiên PVT tham gia thị trường cung cấp tàu dầu lớn nhất thế giới (VLCC) vận chuyển dầu thô từ Kuwait về Việt Nam, đảm nhận khoảng 25% sản lượng cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và đầu tư tàu hàng vận chuyển than quốc tế cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Kết quả, công ty tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, tương ứng 23% và 46%.
PVPower lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách
Theo thống kê của Forbes Việt Nam, 50 công ty trong danh sách đạt 127.530 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 19,2%. Tổng giá trị vốn hóa 50 công ty đạt 94 tỉ đô la Mỹ, tương đương 63% vốn hóa hai sàn niêm yết vào trung tuần tháng 5/2019.
Nhóm các công ty dẫn đầu đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Chẳng hạn, sau ba năm liên tiếp Vinamilk dẫn đầu thị trường về lợi nhuận thì năm 2018 Vietcombank đã vượt qua công ty sữa, trở thành quán quân về lợi nhuận sau thuế khi tăng trưởng 60%.
Đặc biệt, danh sách năm nay ghi nhận sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân: Tập đoàn Vingroup đưa Vinhomes lên niêm yết, đứng thứ hai thị trường về lợi nhuận sau thuế và là một trong bốn công ty có giá trị vốn hóa vượt 10 tỉ đô la Mỹ.
Xét theo sàn, như thường lệ HSX chiếm áp đảo với 45 đại diện, HNX có 5 đại diện. Danh sách năm nay có 13 sự thay đổi, trong đó có 11 cái tên lần đầu tiên xuất hiện, hai công ty quay lại danh sách.
Nguồn tin: petrotimes.vn