Theo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện công suất lọc dầu của nhà máy đã tăng lên 109% nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xăng dầu đang thiếu hụt trong thời gian qua...
Đại diện Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết sau khi tăng công suất từ 105% lên 107%, nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao và nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào đảm bảo, công ty quyết định tăng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 109%, vượt 6% so với kế hoạch cả năm 2022 là nhà máy vận hành trung bình ở 103% công suất.
Sắp tới, theo nhu cầu của thị trường và nguồn dầu thô ổn định, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động ở mức trên 110% công suất, góp phần ổn định thị trường.
Trong thời qua, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã chủ động bám sát diễn biến thị trường, duy trì công suất vận hành ở mức cao, đẩy nhanh công tác bán hàng và xuất bán tối đa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa, cũng như gia tăng giá trị cho công ty.
Trong 9 tháng năm 2022, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán hơn 5,8 triệu m3 xăng dầu. Tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp.
Công ty đã đẩy nhanh công tác bán hàng, xuất hàng bằng việc cấp tối đa theo hợp đồng, cấp cộng, giao sớm hàng để hỗ trợ các đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, công tác mua dầu thô cho nhà máy luôn chủ động được lập kế hoạch từ trước nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào để nhà máy hoạt động liên tục ở công suất cao.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất với nhiệm vụ tối quan trọng là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước.
Kể từ khi chính thức cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình đối với an ninh năng lượng, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Liên quan đến việc thời gian vừa qua, tại nhiều tỉnh, thành xuất hiện tình trạng hàng loạt cửa hàng bán xăng dầu ngưng bán hàng cho người dân, Bộ Công thương khẳng định, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến, do có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Nguồn tin: vnEconomy