Số liệu ghi nhận về tình hình tiêu thụ xăng sinh học E5 tại TPHCM từ khi bắt đầu triển khai thực hiện đến nay cho thấy, người dân dường như không mặn mà với mặt hàng này. Thực tế này khiến các cửa hàng xăng dầu mở cột E5 rồi lại đóng.
Ảnh minh họa
Báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg (quyết định về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống do Chính phủ ban hành ngày 22-11-2012) của Sở Công Thương TPHCM cho thấy trên địa bàn hiện có 240 cửa hàng có phân phối xăng sinh học E5, chiếm chưa tới phân nửa tổng số điểm bán xăng dầu trên toàn thành phố.
Sản lượng tiêu thụ bình quân của các điểm bán xăng trên là 8.053 m3/tháng, chỉ mới chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn TPHCM.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là số điểm bán và sản lượng này đã giảm khá rõ rệt so với thống kê thực hiện trước đó, thời điểm tháng 10-2016.
Tại thời điểm kể trên, số lượng điểm bán xăng E5 đã đạt con số 282 với sản lượng tiêu thụ bình quân trên 8.300 m3/tháng.
Xu hướng giảm sản lượng tiêu thụ thậm chí đã bắt đầu từ trước đó khi sản lượng tiêu thụ bình quân ở thời điểm tháng 10-2016 đã giảm tới hơn 23% so với tháng 6-2016 (mức 10.854 m3/tháng, chiếm 8.3% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu của toàn thành phố) dù có ít điểm bán hơn (279 điểm).
Theo Sở Công Thương TPHCM, các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 báo cáo có doanh thu thấp so với xăng khoáng A92, A95; sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt cao (do thẩm thấu) và chiết khấu không hấp dẫn.
Lợi nhuận doanh nghiệp không được đảm bảo. Đây là lý do đã có một số doanh nghiệp đề nghị Sở Công Thương cho tạm ngưng kinh doanh xăng E5.
Còn từ phía người tiêu dùng, nhiều người chưa chuyển qua tiêu dùng xăng sinh học E5 vì không có thói quen và cũng vì chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 thấp, chỉ 270 đồng/lít.
Với diễn biến này, Sở Công Thương TPHCM cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng sinh học E5 bắt đầu từ đầu năm 2018 mà Bộ Công Thương đề ra, có rất nhiều việc phải làm.
Theo đó, việc quan trọng là Chính phủ, bộ ngành chức năng phải có kế hoạch đảm bảo nguồn cung ethanol phục vụ sản xuất, phối trộn xăng sinh học E5.
Ở thời điểm hiện tại, theo thông tin từ các tổng đại lý và doanh nghiệp đầu mối, các nhà máy sản xuất nguyên liệu ethanol trong nước đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra không ổn định. Nguồn cung ethanol không ổn định, chi phí sản xuất cao đã đẩy giá thành xăng sinh học E5 tăng. Đây là nguyên nhân khiến giá xăng E5 thấp hơn không đáng kể so với xăng A92 và doanh nghiệp cũng đủ nguồn lực chi chiết khấu cao cho đại lý.
Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm các loại thuế, phí, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5 cũng như tăng chiết khấu hoa hồng, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp phân phối.
Còn xa so với kế hoạch
Theo kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình phân phối xăng sinh học E5 trên địa bàn TPHCM thì đến hết năm 2015, phấn đấu 100% cửa hàng xăng dầu phân phối xăng E5 RON 92.
Trên thực tế, tính đến ngày 30-11-2015, có 262/518 cửa hàng xăng dầu phân phối xăng sinh học E5, đạt 50,57% với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 6.819 m3/tháng.
kế hoạchĐến ngày 16-6-2016 có 279/526 cửa hàng bán xăng sinh học E5 (tỷ lệ 53,9%), với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 10.854 m3/tháng, chiếm 8,3% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn.
Đến ngày 30-10-2016 có 282/532 cửa hàng xăng dầu bán xăng sinh học E5 (tỷ lệ 53%), sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.330 m3/tháng, chiếm 6,4% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu.
Đến nay, có 240/533 cửa hàng có bán xăng E5.
Nguồn tin: Thesaigontimes