Nhiều cửa hàng ở Hà Nội tạm ngừng bán xăng A95 vì không có hàng.
Bộ Công Thương khẳng định không thiếu xăng dầu cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) cho biết do chiết khấu cho đại lý thấp, nguồn cung cấp hàng bị gián đoạn khiến một số cửa hàng khan hiếm xăng A95 và tạm ngừng bán.
Cửa hàng thông báo hết xăng
Lãnh đạo nhiều DN kinh doanh xăng dầu cho biết suốt vài ngày qua, nguồn cung mặt hàng xăng A95 trong nước đang gặp vấn đề. Các đơn vị này buộc phải nhập thêm hàng từ nước ngoài nhưng vẫn không đủ.
“Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang tạm ngưng cấp hàng nên các thương nhân đầu mối xăng dầu gặp khó, lượng bán ra nhỏ giọt” - một thương nhân chia sẻ.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 26-3, một số cửa hàng xăng dầu trên đường Giải Phóng, Nguyễn Phong Sắc, Trường Chinh (Hà Nội) đã dán thông báo hết xăng A95. Các cửa hàng tại đây chỉ bán xăng sinh học E5 và các mặt hàng dầu.
Cột bơm xăng A95 tại một số cửa hàng được thay thế bằng xăng sinh học E5. Nhân viên tại một cửa hàng cho hay thường xuyên hỏi tổng công ty về nguồn cung xăng A95 nhưng chưa biết khi nào mới có hàng về.
Bên cạnh nguyên nhân nguồn cung khan hiếm, một DN đầu mối chia sẻ mức chiết khấu thấp cũng khiến các đại lý, cửa hàng không muốn bán xăng A95. Theo đó, hiện nay mỗi lít xăng A95, các cửa hàng chỉ nhận được khoảng trên dưới 400 đồng từ các thương nhân phân phối. Mức này đã giảm rất mạnh so với trước đây.
Trong khi đó tại TP.HCM, nhiều thương nhân khẳng định nguồn xăng cung cấp cho các đại lý có gặp khó khăn nhưng không khan hiếm. Ông Ngô Thành Nhân (tổng đại lý xăng dầu ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói từ 15-12-2018 đến nay, nguồn cung xăng có phần khó khăn do Nhà máy Nghi Sơn gián đoạn. Song lượng hàng được đầu mối cung cấp vẫn đảm bảo không thừa và không thiếu. “Hiện nay chúng tôi vẫn cung ứng xăng đầy đủ cho 40 cửa hàng thuộc hệ thống” - ông Nhân thông tin thêm.
Cũng theo ông Nhân, nguồn cung xăng khó khăn chỉ xảy ra đối với những thương nhân có sản lượng không ổn định, nghĩa là bình thường những thương nhân này mua hàng từ nhiều đầu mối khác nhau. “Ví dụ, có thương nhân một tháng tiêu thụ khoảng ba triệu lít. Họ mua từ ba, bốn đầu mối nên trong những tình huống gặp khó khăn về nguồn cung như hiện nay thì dĩ nhiên đầu mối sẽ ưu tiên cho những khách hàng ruột của họ” - ông Nhân lý giải.
Ông Nhân cho biết thêm, dù tổng đại lý không bị ảnh hưởng bởi nguồn cung xăng nhưng lợi nhuận giảm do hiện nay chiết khấu đã giảm 50%, chỉ còn 400 đồng/lít xăng. Từ đó các đầu mối bắt buộc phải giảm chiết khấu cho các tổng đại lý, đại lý… Đây cũng là nguyên nhân chính khiến một số cửa hàng phía Bắc phải ngừng bán.
Nhiều cây xăng ở Hà Nội treo biển dừng bán xăng A95, chỉ còn xăng sinh học E5. Ảnh: TP
Bộ khẳng định xăng dồi dào
TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng việc cơ quan điều hành giá xăng dầu liên tục xả quỹ bình ổn để kìm giá xăng dầu trong nước, trong bối cảnh giá thế giới tăng cao đã ảnh hưởng đến kinh doanh của DN.
“Nhiều DN đang bị âm quỹ bình ổn, cộng thêm chiết khấu cho đại lý rất thấp, không bù được chi phí dẫn đến kinh doanh lỗ. Tất nhiên không ai mặn mà bán hàng mà biết sẽ lỗ” - ông Long nói.
Một chuyên gia khác thì cho rằng thời gian gần đây Nhà máy lọc dầu Dung Quất gặp trục trặc, xảy ra gián đoạn cung cấp xăng dầu cho các đơn vị đầu mối khiến các đơn vị phải chuyển hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Tuy vậy, Bộ Công Thương vừa chính thức phát đi thông tin xung quanh vấn đề điều hành giá xăng dầu cũng như nguồn cung xăng dầu.
Bộ này nêu rõ: Thời gian vừa qua thị trường xăng dầu thế giới có những biến động về cung cầu và giá, ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước. Nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước, Bộ Công Thương đã yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, cung ứng đủ, liên tục nguồn hàng xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống.
Bên cạnh đó, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo dõi sát diễn biến nguồn hàng; trường hợp gặp khó khăn, vượt thẩm quyền giải quyết, báo cáo về Bộ Công Thương để có phương án xử lý kịp thời.
“Trong trường hợp nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, các DN sẽ tìm kiếm các nguồn nhập khẩu hợp lý để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước” - Bộ Công Thương khẳng định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và tại các DN kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các thương nhân có hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Nguồn tin: Plo