Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhật Bản tin rằng nguồn cung LNG thắt chặt sắp xảy ra

Gần đây, một bộ phận các nhà phân tích năng lượng đã đưa ra một triển vọng trái chiều về lĩnh vực khí đốt tự nhiên. Trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn mới nhất của mình, cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đã bi quan và dự báo giá khí tự nhiên giao ngay tại Henry Hub sẽ ở mức trung bình xấp xỉ 6 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) trong suốt Quý 4 năm 2022 và quý 1 năm 2023 - thấp hơn 1 USD/MMBtu so với dự báo hồi tháng 10, chủ yếu là do mức dự trữ cao hơn dự kiến ​​khi bước vào mùa đông. EIA cũng dự báo ​​giá khí đốt tự nhiên sẽ giảm sau tháng 1 do sự thiếu hụt tồn kho giảm xuống mức trung bình 5 năm.

Tuy nhiên, chỉ ba tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris đã cảnh báo châu Âu có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt lên tới 30 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên trong giai đoạn quan trọng của mùa hè để nạp đầy lại các kho chứa khí đốt của mình ở năm 2023. Theo IEA, “…quá trình lấp đầy các kho chứa khí đốt của EU trong năm nay được hưởng lợi từ các yếu tố quan trọng mà có thể không lặp lại vào năm 2023”.

IEA cũng lưu ý rằng “những điều này bao gồm nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga, mặc dù chúng đã bị cắt giảm mạnh trong năm 2022, nhưng đã ở gần mức 'bình thường' trong phần lớn thời gian của nửa đầu năm. Tổng nguồn cung qua đường ống từ Nga đến EU vào năm 2022 có thể lên tới khoảng 60 bcm, nhưng rất khó có khả năng Nga sẽ cung cấp thêm 60 bcm khí đốt vào năm 2023 – và việc cung cấp khí đốt của Nga tới châu Âu có thể bị dừng hoàn toàn.”

Giờ đây, có một nước khác đã đứng về phía các nhà đầu cơ giá lên (bull). Nhật Bản đã cảnh báo rằng sự cạnh tranh toàn cầu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ tăng lên trong ba năm tới do thiếu đầu tư vào nguồn cung.

Một cuộc khảo sát gồm các công ty Nhật Bản do Bộ thương mại thực hiện và công bố hôm thứ Hai cho thấy các hợp đồng LNG dài hạn bắt đầu trước năm 2026 đã được bán hết, điều này gây lo lắng cho người mua LNG vì những loại hợp đồng này đảm bảo mức giá ổn định và nguồn cung đáng tin cậy trong nhiều năm. Báo cáo lưu ý rằng có rất ít nguồn cung mới xuất hiện trước năm 2026 ngay cả từ các nhà xuất khẩu lớn như Mỹ và Qatar. Trong khi đó, châu Âu đang cố gắng hết sức để thay thế khí đốt đường ống của Nga bằng LNG, điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhiên liệu toàn cầu.

Là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, Nhật Bản có thể có những cái nhìn hiểu thấu hữu ích về cách thức hoạt động của thị trường LNG.

Tập đoàn LNG khổng lồ Cheniere Energy Inc. (NYSE: LNG) đã tiết lộ rằng họ đã có một năm hoạt động tích cực nhất trong việc ký hợp đồng kể từ năm 2011. Trong khi đó, giá giao ngay không ổn định và triển vọng nguồn cung ngày càng xấu đi đã khiến các nhà nhập khẩu vội vã đàm phán các thỏa thuận dài hạn khi họ cố gắng chốt giá mua. Theo một báo cáo của Tạp chí Dầu khí, các hợp đồng LNG 10 năm hiện có giá cao hơn khoảng 75% so với giá của năm 2021, với nguồn cung khan hiếm dự kiến ​​sẽ tiếp tục diễn ra do châu Âu đặt mục tiêu tăng cường nhập khẩu LNG.

Năm ngoái, khối lượng hợp đồng LNG dài hạn được ký kết cho thị trường người dùng trực tiếp đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm và động lực này không có dấu hiệu giảm trong năm hiện tại. Từ đầu năm đến nay, hơn 10 triệu tấn/năm (tpy) LNG đã được ký hợp đồng với người dùng thị trường cuối cùng theo báo cáo của Wood Mackenzie.

Chẳng hạn, công ty LNG Sempra Infrastructure có trụ sở tại Louisiana, một công ty con thuộc sở hữu đa số của Sempra Energy (NYSE: SRE) (BMV: SRE), đã ký hợp đồng dài hạn thứ sáu chỉ trong năm tháng. Thỏa thuận này yêu cầu Cameron LNG của Sempra Infrastructure ở Hackberry cung cấp 2 triệu tấn LNG hàng năm cho Công ty Dầu khí Ba Lan. Sempra Infrastructure đã đạt được một thỏa thuận 2 triệu tấn khác với Ba Lan cho cơ sở LNG Port Arthur sắp mở trở lại ở Port Arthur, Texas.

Hầu hết các hợp đồng mới là từ nguồn cung của Mỹ khi các công ty khai thác xúc tiến các dự án. Tất cả những hợp đồng này dựa vào giá Bắc Mỹ. Trong khi đó, người mua Trung Quốc tiếp tục thống trị thị trường, ký kết hơn 8 triệu tấn/năm hợp đồng mua bán LNG mới trong năm nay.

“Việc Nga xâm lược Ukraine đã có tác động mạnh mẽ đến các hợp đồng LNG dài hạn. Nhiều người mua LNG truyền thống sẽ không mua khí giao ngay hoặc LNG cũng như không gia hạn hoặc ký hợp đồng LNG bổ sung với người bán Nga. Giá giao ngay cũng cao và không ổn định, khiến nhiều người mua hướng tới các hợp đồng dài hạn. Ngoài ra, một số người mua đang quay trở lại hợp đồng dài hạn thay mặt cho các chính phủ để bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia”, nhà phân tích Daniel Toleman của Wood Mackenzie cho biết.

Thiếu khí đốt tự nhiên

Báo cáo LNG từ Nhật Bản dường như rất chính xác. Năm nay, Hoa Kỳ trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới với tư khi nguồn cung giao tới những người mua ‘đói’ năng lượng ở châu Âu và châu Á tăng mạnh. Trong năm hiện hành, năm công ty khai thác đã ký hơn 20 thỏa thuận dài hạn để cung cấp hơn 30 triệu tấn LNG mỗi năm, tương đương khoảng 4 Bcf/d, cho những người mua thiếu năng lượng ở châu Âu và châu Á.

Thật không may, trong khi Hoa Kỳ có lượng tồn đọng lớn nhất thế giới về các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng gần như đã sẵn sàng, thì những hạn chế về khâu vận chuyển bao gồm công suất đường ống hạn chế được coi là rào cản lớn nhất đối với sự tăng trưởng của ngành. Tại Lưu vực Appalachian, khu vực sản xuất khí đốt lớn nhất nước với sản lượng hơn 35 Bcf/ngày, các nhóm môi trường đã nhiều lần làm dừng hoặc làm chậm các dự án đường ống và hạn chế tăng trưởng hơn nữa ở vùng Đông Bắc. Thật vậy, Giám đốc điều hành của EQT Corp. (NYSE: EQT), Toby Rice gần đây đã thừa nhận rằng đường ống của Appalachian đã hết công suất.

Các nhà phân tích tại East Daley Capital Inc. dự đoán xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ sẽ tăng lên 26,3 Bcf/ngày vào năm 2030 từ mức hiện tại gần 13 Bcf/ngày. Để điều này xảy ra, các nhà phân tích cho biết 2-4 Bcf/ngày công suất đường ống sẽ cần được đưa vào hoạt động từ năm 2026 đến 2030 tại Haynesville.

Các nhà phân tích cho biết, “Điều này giả định sự tăng trưởng khí đốt đáng kể từ Permian và các lưu vực khí đốt đồng hành khác. Bất kỳ quan điểm nào mà khiến giá dầu giảm đủ mức để làm chậm hoạt động đó ở Permian và thậm chí bạn sẽ có nhiều yêu cầu hơn đối với khí đốt từ các lưu vực chứa nhiều khí hơn”.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM