Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 8/2021 giảm 55% về lượng và giảm 60,2% về kim ngạch so với tháng 7.
Cụ thể, trong tháng 8/2021, nhập khẩu xăng dầu đạt 262.880 tấn, trị giá 153,83 triệu USD, giảm 55% về lượng và giảm 60,2% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 4,84 triệu tấn, trị giá 2,68 tỉ USD, giảm 18,6% về lượng và tăng 13,1% về kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2020.
Giá trung bình là 554,2 USD/tấn, tăng 155 USD/tấn so với giá nhập khẩu cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, Malaysia là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất, chiếm 31,9% về lượng và 29,3% về tổng kim ngạch, đạt 1.548.330 tấn, trị giá 778,14 triệu USD, giá trung bình 509 USD/tấn, tăng 147 USD/tấn so với 8 tháng đầu năm 2020.
Nhập khẩu xăng dầu trong tháng 8/2021 giảm mạnh. (Ảnh minh họa)
Thị trường lớn thứ 2 là Hàn Quốc, chiếm 25,17% về lượng và 26,4% về tổng kim ngạch, đạt 1.218.354 tấn, trị giá 708,24 triệu USD, giá trung bình 581,3 USD/tấn, tăng 163 USD/tấn so với 8 tháng đầu năm 2020.
Trước đó, số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cho hay, nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 7 đạt gần 584.500 tấn với tổng giá trị 387 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 21% về giá trị so với tháng 6. Đặc biệt, giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 7 đạt 662 USD/tấn, tăng 12% so với tháng 6 và tăng 71% với tháng 7.2020.
Cuối tháng 8/2021, các nhà máy lọc dầu trong nước cho biết đang tồn đọng lượng xăng dầu thành phẩm lớn chưa tiêu thụ được. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã giao Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối căn cứ nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế tại đơn vị để rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu bán ra thị trường theo các quy định hiện hành. Bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại các điểm bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các Tập đoàn, Tổng công ty, các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chia sẻ với hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường