Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh gây sức ép lạm phát

 Sự thay đổi về giá của mặt hàng dầu thô sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi CPI...

Nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Việt Nam sẽ vẫn tăng cao trong thời gian tới và giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi chỉ số CPI.

Tổng cục Thống kê đưa ra nhận định trên ở thời điểm giá dầu trên thế giới vừa mới lập đỉnh và đang có chiều hướng giảm, và giữa lúc chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam đang có chiều hướng tăng, mà cụ thể là CPI tháng 2 đã tăng 1,52% so với tháng trước.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị của các nước như: cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, như: Mỹ với EU và Canada; căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông…

Sau nhiều năm xuất khẩu liên tục, từ năm 2018 đến nay, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Viêt Nam đang có chiều hướng giảm mạnh trong khi sản lượng nhập khẩu đang tăng gấp nhiều lần, nguyên nhân chủ yếu của việc nhập khẩu dầu thô tăng đột biến là do cuối năm 2018, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn – dự án công trình trọng điểm quốc gia, đi vào hoạt động (nhập khẩu dầu thô năm 2018 tăng 337,6% về lượng và 475,8% về giá trị).

Nhập khẩu dầu thô tăng mạnh, "gây sức ép" lên chỉ số CPI - Ảnh 1.

Lượng dầu thô xuất, nhập khẩu giai đoạn 2015-2020.

Tổng cục Thống kê cho rằng, trong thời gian tới nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Việt Nam sẽ vẫn tăng cao để chế biến và sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng. Do đó, việc tăng, giảm giá dầu thế giới sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi CPI. 

Nhập khẩu dầu thô tăng mạnh, "gây sức ép" lên chỉ số CPI - Ảnh 2.

Tốc độ tăng/giảm giá xăng dầu và chỉ số giá tiêu dùng bình quân các năm (%).

Theo dữ liệu của cơ quan thống kê này, năm 2020, thị trường dầu thô đã trải qua cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ trong lịch sử. Giá dầu thế giới sụt giảm mạnh trong quý 1/2020. Cụ thể, dầu thô Brent đã giảm từ gần 70 USD/thùng vào đầu tháng 1/2020 xuống dưới 20 USD/thùng vào tháng 4/2020 do tác động kép của dịch Covid-19 và cuộc chiến về giá nhằm giành giật thị phần giữa các "đại gia" dầu mỏ Saudi Arabia và Nga. 

Đây là mức thấp nhất trong hơn 18 năm qua, trước khi phục hồi lên khoảng 50 USD/thùng trong tháng 12/2020. Thậm chí, dầu thô WTI còn xuống tới mức giá âm lần đầu tiên tại phiên giao dịch ngày 20/4/2020. Năm 2020 cũng là năm chứng kiến "cú sốc" về giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. 

Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đối tác (OPEC+) phải cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 10% nguồn cung toàn cầu, nhằm cân bằng thị trường trong trung hạn cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đã giảm nhiều so với trước đó. 

Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được kiểm soát cũng như các các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực triển khai vắc-xin phòng dịch, các hoạt động kinh doanh ở nhiều nền kinh tế có dấu hiệu khả quan hơn, nhu cầu về dầu thô dần hồi phục và giá dầu đã tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm 2020 khi thị trường dầu thô toàn cầu hợp lý hóa nguồn cung. Giá dầu thô thế giới tăng ảnh hưởng đến CPI trong nước. 

CPI tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất 2,45% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 26/11/2020, thời điểm 11/12/2020 và thời điểm 26/12/2020 làm giá xăng, dầu tăng 6,52%, tác động làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm. 

Tính chung cả năm 2020, CPI bình quân năm tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%, trong đó giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 23,03% so với năm trước làm CPI chung giảm 0,83 điểm phần trăm.

Việc nới lỏng giãn cách xã hội, đưa hoạt động sản xuất và sinh hoạt trở lại bình thường ở nhiều quốc gia giúp nhu cầu xăng dầu tăng lên; trong khi nguồn cung được cắt giảm theo thỏa thuận của OPEC+ đã giúp thị trường xăng dầu thế giới khởi sắc và thị trường xăng dầu Việt Nam cũng khởi sắc theo.

Lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh, cho thấy nhu cầu về mặt hàng xăng dầu gia tăng mạnh mẽ, từ ngày 8/2/2021 đến 12/2/2021, lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm 5,4 triệu thùng và tiếp tục giảm mạnh 5,8 triệu thùng trong ngày 17/2/2021. Đồng thời, căng thẳng khu vực Trung Đông thúc đẩy đà tăng của giá dầu. Mặc dù vậy, mức tồn kho dầu toàn cầu được dự đoán là vẫn cao và công suất sản xuất dầu thô dư thừa sẽ hạn chế giá dầu tăng lên trong năm 2021. 

Thêm vào đó, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng hạn chế mức tăng giá dầu và do đó, giá dầu thế giới chưa thể về mức như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Những tháng đầu năm 2021, CPI đều tăng so với tháng trước (tháng Một tăng 0,06%; tháng Hai tăng 1,52% – mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây), một phần do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng. 

Cụ thể, giá xăng dầu tháng 1/2021 tăng 6,07% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm; giá xăng dầu tháng 02/2021 tăng 3,28%, tác động làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm.

"Mặc dù CPI trong các tháng đầu năm, đặc biệt là tháng Hai tăng khá cao so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, CPI vẫn đạt mức thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Đây là dâu hiệu tích cực cho thấy lạm phát vẫn đang được kiểm soát, mục tiêu CPI bình quân năm 2021 tăng khoảng 4% do Quốc hội đề ra hoàn toàn có thể đạt được", Tổng cục Thống kê nhận định.

Nguồn tin: vnEconomy

ĐỌC THÊM