Trong bối cảnh nhu cầu trầm lắng và giá giao ngay cao, Trung Quốc dự kiến sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa từng có trong nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong năm nay, nhường vị trí nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới cho Nhật Bản.
Người mua Trung Quốc phần lớn được cho là sẽ tránh mua các lô hàng giao ngay trên thị trường LNG vì đã đủ lượng hàng tồn kho trước mùa đông và nhu cầu trì trệ trong bối cảnh các đợt phong tỏa do Covid đã làm giảm nhu cầu công nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc đã và đang bán lại LNG cho châu Âu vào mùa hè này, vì nhu cầu trong nước không được như trước đây trong những năm gần đây. Mặc dù dự kiến sẽ dừng hoạt động này lại khi mùa đông đến gần, nhưng Trung Quốc vẫn sẽ nhập khẩu khối lượng LNG thấp hơn trong năm nay so với năm 2021.
Khối lượng LNG của Trung Quốc đã giúp thị trường châu Âu cho đến nay giảm bớt căng thằng. Nhưng khi Trung Quốc chuyển sang phục vụ cho an ninh năng lượng của chính mình trong mùa đông này, thì nguồn cung LNG của châu Âu có thể giảm ngay trước mùa sưởi ấm mùa đông.
Bất chấp nguồn cung LNG có khả năng bị thắt chặt với việc Trung Quốc giữ lại nguồn cung cho chính mình, nhập khẩu LNG nói chung thấp của Bắc Kinh trong năm nay có thể đồng nghĩa là sẽ có nhiều lô hàng LNG giao ngay tới châu Âu nếu khối này có khả năng tiếp nhận.
Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để lần đầu tiên trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Song, năm nay, Trung Quốc sẽ trao lại danh hiệu "nhà nhập khẩu hàng đầu" cho Nhật Bản.
Theo Wood Mackenzie, nhập khẩu LNG của Trung Quốc sẽ giảm mạnh kể từ khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu nhiên liệu này vào năm 2006. Công ty tư vấn này dự kiến nhập khẩu LNG của Trung Quốc sẽ giảm xuống 69 triệu tấn trong năm nay, đây sẽ là mức giảm hàng năm 14% chưa từng có - mức giảm mạnh nhất kể từ lần đầu tiên Trung Quốc nhập khẩu LNG vào năm 2006.
Nhu cầu khí đốt ở Trung Quốc suy yếu, sản xuất khí đốt tự nhiên trong nước tăng, các chính sách hỗ trợ than như là công cụ “an ninh năng lượng”, và tất nhiên, giá LNG giao ngay cao hơn nhiều trong năm nay đã kết hợp lại để làm giảm lượng mua LNG của Trung Quốc từ đầu năm cho đến nay.
“Người mua Trung Quốc đã giảm thiểu việc tiếp xúc với LNG giao ngay đắt đỏ. Việc mua hàng giao ngay đã im ắng, và theo ghi nhận, một số người đã bán lại LNG tới thị trường châu Âu”, Giám đốc nghiên cứu Miaoru Huang của Wood Mackenzie cho biết.
Các nhà phân tích khác cũng đồng tình và nói rằng Trung Quốc hầu như sẽ tránh xa việc mua LNG giao ngay trong mùa đông này.
Các nhà phân tích tại Cơ quan Thông tin Hàng hóa Độc lập (ICIS) cho biết nhu cầu giảm dự kiến sẽ làm hạn chế việc mua LNG giao ngay trong mùa đông. ICIS dự kiến nhu cầu LNG mùa đông của Trung Quốc, từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 2 năm 2023, sẽ giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2022, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc lần đầu tiên giảm so với cùng kỳ năm trước trong hơn một thập kỷ, ICIS lưu ý.
ICIS cho biết: “Với nhu cầu chậm lại cho đến nay, câu hỏi được đặt ra là liệu mức tiêu thụ có khôi phục trong giai đoạn sưởi ấm mùa đông sắp tới hay không”.
Đầu tháng này, nhà phân tích khí đốt và LNG hàng đầu của ICIS, Alex Siow, nói với Reuters, “Về cơ bản, việc Trung Quốc ngừng mua hàng giao ngay là rất tốt vì bớt đi một khách hàng tranh nhau nguồn cung vốn eo hẹp”.
Khả năng vắng mặt của Trung Quốc trên thị trường LNG giao ngay trong mùa đông này có thể là một sự thở phào cho cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt của Châu Âu, vì việc Trung Quốc không tăng cường thu mua sẽ khiến nguồn cung đến Châu Âu nhiều hơn.
Về phần mình, EU và Anh đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất trong mùa đông năm nay và đang cảnh báo về việc phân bổ và mất điện luân phiên, mặc dù đã cố gắng hết sức có thể để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt và vận chuyển nhiều khí đốt hơn từ các nguồn khác ngoài Nga. Tuy nhiên, thời tiết mùa đông ở châu Âu và Bắc Á sẽ là yếu tố quyết định đến việc lượng khí đốt trong kho của châu Âu sẽ cạn kiệt nhanh như thế nào, vì vậy châu Âu đang hy vọng những điều tốt đẹp nhất và cầu nguyện cho một mùa đông ôn hòa hơn.
Nguồn tin: xangdau.net