OPEC+ có thể cân nhắc nới lỏng hạn chế sản lượng tại cuộc họp vào tháng 3/2020.
Giá dầu thế giới không biến động nhiều trong phiên ngày 23/12 do thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gọi là OPEC+ có thể cân nhắc việc nới lỏng cắt giảm sản lượng vào năm 2020, qua đó “lấn át” sự hỗ trợ từ tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư rằng thỏa thuận thương mại ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm được ký kết.
Nhân tố OPEC+ chi phối thị trường dầu thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 25 xu Mỹ (0,4%) lên 66,39 USD/thùng, sau một phiên giao dịch vắng vẻ trước ngày nghỉ lễ Giáng Sinh. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8 xu Mỹ (0,1%) lên 60,52 USD/thùng.
OPEC+ trong tháng này đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ 1/1/2020. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 23/12 cho biết OPEC+ có thể cân nhắc nới lỏng hạn chế sản lượng tại cuộc họp vào tháng 3/2020.
Trả lời phỏng vấn kênh RBC TV của Nga hồi tuần trước, Bộ trưởng Novak nói rằng “chúng tôi có thể cân nhắc bất cứ lựa chọn nào, trong đó có nới lỏng dần dần hạn ngạch hoặc tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay”. Ngoài ra, sản lượng dầu của Nga đã ghi nhận mức cao kỷ lục trong năm nay.
Nguồn cung từ các nước ngoài OPEC trên thế giới dự kiến sẽ tăng trong năm 2020 do sản lượng từ các nước như Mỹ, Brazil, Na Uy và Guyana “đầy lên”.
Bên cạnh đó, Kuwait cho hay cuộc tranh chấp kéo dài với Saudi Arabia liên quan đến khu vực Neutral Zone sẽ được giải quyết vào cuối năm 2019, theo đó dự kiến nguồn cung dầu thế giới có thể tăng lên trong vài tháng tới. Sản lượng tại hai mỏ dầu ở khu vực Neutral Zone đã bị sụt khoảng 500.000 thùng/ngày trong hơn ba năm qua.
Giá dầu đã tăng lên kể từ khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí về thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi đầu tháng này sau nhiều tháng đàm phán. Ngày 21/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay Washington và Bắc Kinh sẽ “sớm” ký kết một thỏa thuận.
Theo thỏa thuận này, Mỹ dự kiến sẽ giảm một số thuế quan, đổi lại Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa nông sản của Mỹ hơn./.
Nguồn tin: bnews.vn