Iraq đang nhanh chóng trở thành một cường quốc dầu mỏ toàn cầu, đạt tầm vóc trong OPEC sau khi vượt qua Canada trong năm nay với tư cách là nhà sản xuất lớn thứ tư thế giới. Nhưng đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này có rất ít cơ hội để thể hiện kỳ tích của mình.
Trong khi thị trường dầu thô đang bận tâm với khả năng tăng cường sản lượng của Saudi Arabia, thì Iraq đã lặng lẽ tăng cường xuất khẩu sang châu Á, châu Âu và khu vực Địa Trung Hải để bù đắp các thùng dầu bị mất của Iran.
Iraq đang sản xuất kỷ lục 4.78 triệu thùng/ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Jabbar Al-Luaibi cho biết hôm thứ Bảy. Sản lượng sẽ tăng lên 5 triệu thùng/ngày vào năm 2019 và 7,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024, ông nói. Công ty tư vấn Wood Mackenzie Ltd. dự báo Iraq có thể bơm 6 triệu thùng/ngàyvào năm 2025 và sản lượng của nước này sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với tất cả các quốc gia khác ngoại trừ Mỹ trong sáu năm tới.
Đối với tất cả tài sản dầu lửa, Iraq thiếu nguồn cung cấp điện ổn định và gặp khó khăn trong duy trì ổn định - và thu hút các hình thức đầu tư cần thiết để tạo việc làm và thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương.
Ziad Daoud, kinh tế trưởng của Bloomberg ở Trung Đông cho biết: “Việc tăng sản lượng là tin tốt, nhưng Iraq vẫn không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản như nước sạch và điện cho người dân, kể cả ở Basra, nơi hầu hết dầu được sản xuất”.
Căng thẳng chính trị
Hầu hết các chỉ số ở Iraq ngoài dầu đều tỏ ra rất ít hứa hẹn. Căng thẳng chính trị tiếp tục bùng phát do bế tắc của Baghdad với khu bán tự trị người Kurd trên lãnh thổ nước này, cảm giác bị gạt ra bên lề của nhóm thiểu số Sunni, và sự bất mãn của đa số người Shiite với các dịch vụ công cộng không đáng tin cậy ở vùng trung tâm phía nam của tỉnh Basra.
Giá dầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 2016, củng cố tài chính của Iraq, nhưng chỉ số chứng khoán của nước này giảm 30% so với cùng kỳ. Hơn 32 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chảy ra khỏi đất nước trong 5 năm qua, theo số liệu của Liên hợp quốc.
15 năm sau khi Mỹ dẫn đầu một liên minh quân sự lật đổ chế độ Saddam Hussein, "mọi người thất vọng vì họ không có điện 24 giờ, rằng cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe yếu kém", ông Ali Al-Mawlawi, người đứng đầu viện nghiên cứu Al-Bayan Center tại Baghdad cho biết. "Sự giàu có không thâm nhập một cách công bằng và bình đẳng."
Cải tiến an ninh và nỗ lực để hình thành một chính phủ mới là nguyên nhân dẫn đến một số lạc quan, Al-Mawlawi nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Tuy nhiên, tham nhũng kéo dài và một bộ máy quan liêu rườm rà làm cho “các công ty nước ngoài e ngại về đầu tư”, ông nói.
Điều này dường như không quan trọng đối với ngành công nghiệp dầu mỏ ở Iraq, thành viên lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ sau Saudi.
Các công ty dầu khí lớn như ExxonMobil Corp., Total SA, Lukoil PJSC và Gazprom PJSC đã tham gia phiên đấu giá mới nhất chocác blocl dầu khí của Iraq trong tháng 4, nhưng các công ty nhỏ hơn từ United Arab Emirates và Trung Quốc đã thành công trong việc đảm bảo hợp đồng. Các công ty dầu mỏ quốc tế chịu trách nhiệm cho hai phần ba sản lượng hiện tại của Iraq, và vốn và công nghệ của họ là rất quan trọng để duy trì và nâng cao sản lượng, Ian Thom, nhà phân tích chính của Wood Mackenzie cho khu vực Trung Đông cho biết.
Miễn là chính phủ tiếp tục thanh toán cho các công ty dầu mỏ nước ngoài đầy đủ và đúng hạn, các nhà sản xuất có thể khai thác lợi nhuận hợp lý từ các cánh đồng dầu có chi phí thấp của Iraq, ngay cả khi dầu thô giảm xuống còn 30 USD/thùng, Thom nói. Dầu thô Brent, huẩn toàn cầu, đang giao dịch ở mức trung bình hơn 73 USD/thùng trong năm nay.
"Iraq sẽ không gặp khó khăn để tìm nhà đầu tư nước ngoài để phát triển ngành dầu mỏ của mình", Daoud nói. "Thách thức chính là thu hút vốn và chuyên môn để mang lại lợi ích cho nền kinh tế rộng lớn hơn."
Nguồn: xangdau.net