Trong những tháng gần đây, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Ả Rập Xê Út, đã mất thị phần tại Trung Quốc vào tay Mỹ vì nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới đã đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ và giảm mua từ Vương quốc này. Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng dầu thô kỷ lục trong những tháng gần đây, tận dụng giá dầu thô thấp nhất trong hai thập kỷ vào tháng 4 để tích trữ dầu giá rẻ.
Trong cuộc săn lùng dầu giá rẻ của mình, các đại gia dầu mỏ nhà nước Trung Quốc và các công ty lọc dầu độc lập đã gom được các lô hàng giá rẻ của Mỹ vào tháng 4, được dỡ lên tàu vào tháng 5, bắt đầu đến Trung Quốc vào tháng 6 và lập kỷ lục vào tháng 7.
Đồng thời, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Ả Rập Xê-út - sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 5 và tháng 6 nhờ mức giá hời mà Ả Rập Xê Út đưa ra trong cuộc chiến giá ngắn ngủi để giành thị phần vào tháng 3 và tháng 4 - đã giảm trong tháng 7 do lượng dầu thô sẵn có từ Trung Đông thu hẹp sau tháng 5 với việc cắt giảm của OPEC +.
Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc là những khách hàng có cơ hội mua dầu thô trong tháng 3 và tháng 4, và do thời gian di chuyển bằng tàu chở dầu ngắn hơn giữa Trung Đông và Trung Quốc, so với tuyến Mỹ-Trung, nên nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Ả Rập Xê Út đã giảm ngay từ đầu tháng 7 so với mức cao kỷ lục của hai tháng trước đó. Trong khi đó, lộ trình khoảng 45 ngày từ Mỹ đến Trung Quốc có nghĩa là dầu thô giá rẻ của Mỹ được dỡ lên tàu vào tháng 5 sẽ bắt đầu đến Trung Quốc trong tháng 7.
Tháng trước, Ả Rập Xê-út đã tụt xuống vị trí thứ ba trong danh sách các nhà cung cấp dầu quan trọng cho Trung Quốc, đứng sau Nga và Iraq - lần đầu tiên trong hai năm Vương quốc này không phải là nhà cung cấp dầu số một hoặc số hai cho Trung Quốc.
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC + chắc chắn đóng một vai trò trong sở thích của người mua Trung Quốc. Việc xuất khẩu thấp hơn từ Trung Đông đã làm hạn chế nguồn cung của các loại dầu đó, đẩy giá chuẩn dầu Trung Đông Oman / Dubai lên cao, chuẩn giá mà các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh dựa vào để định giá dầu của họ bán sang châu Á.
Trong khi xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê Út sang Trung Quốc trong tháng 7 giảm 23,4% xuống 1,26 triệu thùng/ngày - khiến Ả Rập Xê Út trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ ba của Trung Quốc - thì nhập khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc tăng 139% so với năm ngoái, lên khoảng 864.200 thùng/ngày, đưa Mỹ đứng ở vị trí thứ năm trong số các nhà cung cấp cho Trung Quốc.
Làm phép so sánh, trong tháng 5 và 6, mỗi tháng Trung Quốc nhập khẩu 2,16 triệu thùng/ngày dầu thô của Saudi, mức cao kỷ lục. Theo ước tính của nhà báo Clyde Russell từ Reuters cho thấy, Ả Rập Xê Út đã để mất thị phần ở Trung Quốc không chỉ vào tay Mỹ mà còn là Brazil.
Lý do chính cho diễn biến này tương tự như lý do nhập khẩu cao từ Mỹ - Trung Quốc đang săn lùng giá dầu thô cực rẻ khi giá giảm vào tháng 3 và tháng 4, do cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Xê Út và Nga, cùng những lý do khác, liên quan đến đại dịch.
Dữ liệu từ Refinitiv Eikon cho thấy nhập khẩu dầu thô dầu từ Mỹ tới Trung Quốc sẽ tiếp tục cao trong tháng 8, trong khi dự báo cho tháng 9 trở đi có phần thấp hơn, mặc dù một bản tin gần đây của Bloomberg cho rằng Trung Quốc đã thuê tàu chở dầu có thể vận chuyển tới 37 triệu thùng dầu thô từ Mỹ trong tháng 9 - mức cao kỷ lục có thể có.
Trong tháng 8, Ả Rập Xê Út vẫn chưa tăng cường xuất khẩu dầu thô, mặc dù nhóm OPEC + đang nới lỏng việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày tính đến ngày 1 tháng 8.
Sau tháng 9, Ả Rập Xê Út có thể giành lại một số thị phần đã mất vào tay Mỹ (và Brazil) trong hai tháng qua, vì việc Trung Quốc mua dầu của Mỹ một cách cơ hội có lẽ đã kết thúc, theo Russell lập luận.
Bất chấp việc mua dầu của Mỹ tăng lên trong những tháng gần đây, các nhà phân tích không tin rằng động cơ chính của Trung Quốc cho việc này là cố gắng thực hiện cam kết trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 để mua nhiều sản phẩm năng lượng của Mỹ hơn. Thay vào đó, lượng dầu nhập khẩu hàng tháng cao kỷ lục từ Mỹ là do việc săn lùng dầu giá rẻ trong thời gian giá lao dốc vào tháng 3 và tháng 4.
Ả Rập Xê Út có cơ hội tăng thị phần trở lại tại Trung Quốc vào một thời điểm nào đó vào cuối năm nay. Nhưng không phải Ả Rập Xê Út sẽ điều khiển thị trường – mà chính là nhu cầu và biên lợi nhuận lọc dầu ở châu Á, sự chênh lệch giá giữa các khu vực khác nhau và tất nhiên, là chính sách mua dầu của Trung Quốc trong tương lai sẽ làm việc này.
Nguồn tin: xangdau.net