Ngày 22-2-2009 những thùng dầu đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam từ Dung Quất (Quảng Ngãi) được ra đời. Đó chính là bước ngoặt đột phá của ngành công nghiệp dầu khí cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Một góc công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất
HÀNH TRÌNH GẦN 30 NĂM
Nhìn lại chặng đường gần 30 năm để xây dựng được Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc vào loại đồ sộ nhất ở Đông Nam Á, chúng ta phải đi qua một chặng đường dài với biết bao gian truân, thách thức. Đó là vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Chính phủ Việt Nam và Liên Xô (cũ) đã thống nhất hợp tác xây dựng nhà máy lọc dầu có công suất 6 triệu tấn/năm. Đến năm 1990 phía Việt Nam đã chuẩn bị xong mặt bằng, phía Liên Xô đã xong thiết kế cơ sở, nhưng cuối cùng không thực hiện được vì thể chế chính trị của Liên Xô thay đổi.
Tháng 9-1992 các nhà khoa học Việt Nam phát hiện ra vũng nước sâu Dung Quất. Hai năm sau, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cho xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của nước ta tại Dung Quất. Một liên doanh Việt - Nga mang tên VIETROSS ra đời, tổ chức lễ khởi công, nhưng đến 7 năm sau vẫn chưa khởi động.
Với phương thức nước ta tự đầu tư, cuối năm 2005 dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất được khởi động trở lại đã làm tan dần tảng băng hoài nghi trong lòng người dân cả nước. Nhà máy lọc dầu trở thành công trường sôi động và hối hả nhất nước. Các đơn vị thi công thiện chiến như Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông I (CIENCO I), Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC)... tập trung lực lượng về đây. Các nhà thầu danh tiếng trên thế giới như Antarakoh (Singapore), Toyo - Tokyo Kyuei (Nhật), Vanoord (Hà Lan), Công ty hóa chất (Trung Quốc) HANVICO... điều động đến Dung Quất những chuyên gia, kỹ sư, công nhân giỏi nhất. Hàng vạn người đã đổ mồ hôi, công sức và trí tuệ xuống đại công trình thế kỷ để nhà máy lọc dầu ra đời đúng thời hạn.
Một khối lượng sắt thép đồ sộ từ các nước châu Á, châu Âu theo đường biển nhập về Dung Quất để thi công bồn bể chứa và các loại đường ống. Hàng trăm nghìn tấn vật tư, vật liệu, ống công nghệ, các hạng mục thiết bị được nhập về để hàn nối, lắp đặt. Các kỹ sư đang làm việc tại nhà máy lọc dầu so sánh: để xây dựng công trình đồ sộ này, các nhà thầu đã phải sử dụng 100 nghìn tấn vật tư, thiết bị; hơn 5 triệu mét đường dây điện, gấp 2,5 lần đường dây điện từ Hà Nội đến TPHCM và “ngốn” số sắt thép đủ để xây dựng 20 tháp Eiffel ở Paris (Pháp).
Công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất là cả một tổ hợp gồm 14 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ, 16 hạng mục phụ khác. Nhà máy có 6 bể chứa dầu thô, 23 bể chứa trung gian và 22 bể chứa sản phẩm. Có bể chứa diện tích chiếm hết cả một sân vận động. Một hệ thống đường ống gồm 12 tuyến dài hơn 7km dẫn sản phẩm từ nhà máy ra cảng xuất sản phẩm để rót cho tàu chở dầu. Bên cảng xuất là một con đê bằng đá vươn dài ra biển 1,6km, rộng 11m, cao đến 10m làm nhiệm vụ che chắn sóng cho tàu ra vào bến an toàn.
Nhắc đến sự ra đời của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu kinh tế Dung Quất thì người dân Quảng Ngãi lại nghĩ và tri ân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lúc còn đương nhiệm hay khi về hưu, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn quan tâm đến việc xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Khu kinh tế Dung Quất.
GIỌT DẦU DUNG QUẤT - NIỀM TỰ HÀO VN!
Theo thiết kế xây dựng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 148.000 thùng/ngày), gồm 8 loại sản phẩm là xăng Mogas 90, 92, 95; Diezen dùng cho ôtô, dầu nhiên liệu (FO), nhiên liệu phản lực, LPG và Propylene. Sau một thời gian, công suất nhà máy sẽ nâng lên 10 - 15 triệu tấn/năm để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.
Nước ta có trữ lượng dầu thô vào loại lớn trong khu vực nhưng lại chưa có ngành công nghiệp lọc dầu. Mỗi năm Việt Nam xuất hàng chục triệu tấn dầu thô. Chính vì vậy, nhà máy lọc dầu đi vào sản xuất sẽ giúp đất nước chủ động một phần xăng dầu, giảm bớt nhập khẩu, lệ thuộc nước ngoài. Quan trọng hơn là từ đây Việt Nam có công nghiệp lọc dầu, tạo tiền đề cho công nghiệp hoá dầu, hoá chất phát triển.
Công nghiệp hóa dầu luôn gắn với công nghiệp lọc dầu và công nghiệp khí. Riêng ở Dung Quất không có công nghiệp khí nên hóa dầu xây dựng trên cơ sở lọc dầu. Rồi đây ở Dung Quất, ngành hóa dầu không chỉ có sản xuất Polypropylene mà còn có các nhà máy sản xuất chất tẩy rửa (LAB), thuốc nhuộm, sơn, muội than (Black Carbon), sợi tổng hợp Polystyres... khi nhà máy lọc dầu đưa vào chế biến dầu chua của Trung Đông.
Được biết khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động ổn định sẽ đạt giá trị sản lượng công nghiệp hàng năm từ 60.000 - 80.000 tỷ đồng. Nguồn trích nộp ngân sách mỗi năm của nhà máy khoảng vài ngàn tỷ đồng.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (công suất 6,5 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất không chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước mà công trình này còn tạo động lực thúc đẩy vùng duyên hải miền Trung phát triển nhanh hơn. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất được ví như “siêu công ty”, bởi doanh thu mỗi năm đạt tám mươi đến một trăm nghìn tỷ đồng. Nó không chỉ đưa kinh tế Quảng Ngãi nhảy vọt mà còn là “dự án hút những dự án” công nghiệp quy mô lớn, những dự án du lịch - dịch vụ hiện đại đi kèm.
Song hành cùng lọc dầu, Dung Quất đã và sẽ có hàng loạt dự án với số vốn trên 10 tỷ USD, lớn gấp 4 lần vốn của nhà máy lọc dầu hiện nay (2,5 tỷ USD). Tính ra đến đầu năm 2009 Khu kinh tế Dung Quất có khoảng 160 dự án, với tổng số vốn đăng ký tương đương 10,3 tỷ USD. Trong số này có 44 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, nộp ngân sách nhà nước hơn 700 tỷ đồng, chiếm hơn 40% nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Với cơ chế thông thoáng để thu hút vốn đầu tư, ngoài dự án nhà máy lọc dầu, đến nay nhiều dự án “cộm cán” đang được triển khai, như dự án Nhà máy luyện cán thép Tycoons - Đài Loan (trên 3 tỷ USD); dự án nhà máy công nghiệp nặng của Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc), vốn đầu tư 260 triệu USD; dự án Liên hợp công nghiệp tàu thủy Dung Quất, 700 triệu USD. Hiện nay, con tàu lớn nhất Việt Nam với sức chứa 104.000 tấn sắp “ra lò” để đưa vào sử dụng vận chuyển dầu cho nhà máy lọc dầu.
Được biết nhờ có lọc dầu, hơn 10.000 lao động của tỉnh Quảng Ngãi đã được giải quyết, tập hợp 22.000 lao động ở mọi miền đất nước về làm việc trên đại công trường Khu kinh tế Dung Quất.
Thời gian về đích chỉ còn tính từng giờ. Các khâu hoàn thành, chạy thử đang diễn ra tất bật, thận trọng. Bằng niềm tin, sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực để Dung Quất cho ra đời giọt dầu đầu tiên.
(Công an TPHCM)