Từ khi dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được triển khai, tỉnh Quảng Ngãi có sự đột phá về thu hút đầu tư và thu ngân sách. Ở tầm quốc gia, dự án này có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội, tạo động lực phát triển cho cả khu vực, đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…
Thu hút nhiều dự án mới
Sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành, Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với nhiều dự án lớn. Trong đó, riêng dự án của Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) có vốn đầu tư 300 triệu USD chuyên sản xuất các thiết bị công nghiệp nặng đã đi vào sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm chính của nhà máy này là các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thu hồi nhiệt, thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt, cẩu cảng biển và thiết bị cho nhà máy lọc dầu.
Hiện nay, nhà máy này đã có 3 phân xưởng đi vào hoạt động và đã cho ra dòng sản phẩm đầu tiên là nồi áp suất cho nhà máy lọc dầu, lò hơi nhà máy điện... được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Khi dự án này triển khai đầu tư tại KTT Dung Quất đã thu hút được 1.700 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận. |
Xe bồn xếp dãy chờ đưa những tấn dầu đầu tiên của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ra thị trường. Ảnh: NGUYÊN KHÔI |
Tại KKT Dung Quất, con tàu có trọng tải 104.000 tấn, do Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đóng mới đang chuẩn bị hạ thủy. Hơn 2.300 kỹ sư, công nhân Việt Nam đang gấp rút làm việc ngày đêm hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp hạ thủy con tàu này vào tháng 6 năm nay.
Với phương án vừa xây dựng, vừa đầu tư, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất tiếp tục đặt ky để đóng thêm một tàu khác có tải trọng 105.000 tấn. Đây là tàu chở dầu có trọng tải lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam đóng mới, dự kiến cuối năm 2009 sẽ hạ thủy.
Đến nay, KKT Dung Quất đã cấp chứng nhận đầu tư cho 113 dự án và chấp thuận đầu tư cho 44 dự án, với tổng vốn đăng ký tương đương 10,3 tỷ USD. Trong đó có 44 dự án xây dựng hoàn thành và đang hoạt động sản xuất - kinh doanh; 33 dự án đang triển khai xây dựng...
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, sau khi đưa nhà máy lọc dầu vào vận hành sẽ giảm đáng kể tỷ lệ nhập siêu. Doanh số dự kiến hàng năm của nhà máy vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng, trong đó xăng chiếm khoảng 19.000 tỷ đồng, dầu diesel ô tô khoảng 26.000 tỷ đồng.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được đầu tư xây dựng theo công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay cùng với việc ứng dụng các phần mềm quản lý tiên tiến sẽ đảm bảo tính cạnh tranh đối với các nhà máy lọc dầu khác trên thế giới. Chất lượng sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Về giá sản phẩm, dự kiến giá các loại sản phẩm do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sản xuất về cơ bản sẽ tương đương giá nhập khẩu tương tự ở cùng thời điểm do vậy sẽ đảm bảo cạnh tranh so với giá nhập khẩu từ các nước trên thế giới.
Đảm bảo vận hành hiệu quả
Theo TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển, một trong những tác động tích cực nhất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Đây cũng là cơ hội để nước ta đào tạo một đội ngũ chuyên gia có đủ khả năng vận hành, quản lý một nhà máy hóa dầu; đồng thời là cơ hội để tự chủ hơn về mặt nhiên liệu. Đối với khu vực miền Trung, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tạo ra một sự tác động lan tỏa thúc đẩy kinh tế đi lên.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng, với sự kiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ra mắt dòng dầu thương mại đầu tiên là sự tiến bộ vượt bậc về mặt làm chủ công nghệ. Đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, điều này càng có ý nghĩa trọng đại trong việc mở ra ngành công nghiệp hóa dầu với nhiều sản phẩm từ hóa chất, chất đốt, chất dẻo.
Miền Trung cũng sẽ có cơ hội tạo ra những sản phẩm dịch vụ trợ giúp và giải quyết việc làm. Với công suất thiết kế hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quốc sẽ giúp chúng ta chủ động hơn về mặt nhiên liệu cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay ở khu vực Đông Nam Á đã có nhiều nhà máy lọc dầu lớn ở Trung Quốc, Singapore.., hầu hết những nhà máy này đã hoạt động lâu, khấu hao xong nên để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với họ không phải là chuyện đơn giản.
Để giải quyết vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, trước mắt phải làm tốt khâu vận hành sản xuất. Trong tương lai, sau khi vận hành nhà máy ổn định, cần đánh giá, phân tích, rút kinh nghiệm để xây dựng các khu công nghiệp lọc hóa dầu khác đạt hiệu quả hơn nữa.
Gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng kỷ vật về Dung Quất Tại lễ đón mừng dòng sản phẩm đầu tiên của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tổ chức ngày 22-2 vừa qua, gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trao tặng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) kỷ vật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là chiếc nón bảo hộ lao động mà anh em công nhân ở Dung Quất đã trao cho ông đội nhân lễ khởi công xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất. Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Tập đoàn Petrovietnam đã đón nhận và cho biết sẽ trưng bày chiếc nón kỷ vật này tại phòng truyền thống của ngành nhằm bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã có nhiều đóng góp lớn cho thành công của dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. H.Vy |
(Sài gòn giải phóng)