Một nhà máy lọc dầu châu Á do tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Aramco của Ả Rập Xê Út đồng sở hữu đã tiếp tục xử lý dầu thô lần đầu tiên kể từ khi đóng cửa sau vụ hỏa hoạn chết người vào năm 2020, các nguồn tin thân cận nói với Reuters, đây có thể là một tin tốt cho thị trường các sản phẩm tinh chế của Châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung vốn đang rất khan hiếm cung.
Khu phức hợp Lọc hóa dầu Pengerang ở Malaysia, có khả năng lọc 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày, thuộc sở hữu và điều hành của PRefChem, một liên minh chiến lược giữa công ty dầu khí quốc gia Malaysia PETRONAS và Saudi Aramco, thông qua quan hệ đối tác bình đẳng trong hai công ty liên doanh.
Nhà máy lọc dầu này đã đóng cửa vào tháng 3 năm 2020 sau một vụ hỏa hoạn khiến 5 người thiệt mạng. Việc đóng cửa xảy ra cùng lúc với sự suy giảm nhu cầu nhiên liệu toàn cầu khi các quốc gia đua nhau áp đặt các biện pháp phong tỏa do COVID.
Việc khởi động lại dự kiến vào quý 4 năm 2021, sau một lần trì hoãn do các hạn chế liên quan tới COVID. Việc khởi động lại vào Q4 năm 2021 tiếp tục bị trì hoãn vì các nhà điều hành đã yêu cầu toàn bộ nhà máy phải trải qua các cuộc kiểm tra hoạt động và an toàn chi tiết.
Sau khi khởi động lại, nhà máy lọc dầu ở Pengerang ban đầu sẽ xử lý dầu thô từ kho chứa, trước khi tiếp nhận dầu thô từ Saudi Aramco.
Nguồn tin của Reuters cho biết, khu phức hợp đã nối lại hoạt động vào tuần trước, nhưng vẫn sẽ mất một thời gian để quay trở lại lọc dầu thô theo công suất.
Tuy nhiên, việc khởi động lại một nhà máy lọc dầu sẽ là tin tức đáng hoan nghênh đối với một thị trường nhiên liệu vốn đang eo hẹp trên toàn cầu, kể cả ở châu Á, nơi các quốc gia ngoại trừ Trung Quốc đang nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID, cả đối với khách du lịch.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng việc thiếu đầu tư vào công suất lọc dầu toàn cầu là một trong những nguyên nhân chính của đà tăng giá xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay trên toàn cầu.
Nguồn tin: xangdau.net