Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhà đầu tư ngoại đã "lách" qua cánh cửa hẹp của xăng dầu Việt như thế nào?

Sự "màu mỡ" của thị trường xăng dầu Việt Nam luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
"Trái ngọt" từ xăng dầu

Theo Bộ Công Thương, ở thời điểm hiện tại, đã có 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Số lượng đầu mối đã tăng khá nhanh trong năm qua, ít nhất cũng có trên dưới 5 đầu mối mới ra từ đầu năm đến nay. Suốt một thời gian dài trước đó, cả nước chỉ trên dưới 15 đầu mối.

Sự mở rộng đầu mối cùng lợi nhuận kinh doanh tốt trong thời gian qua đang giúp lĩnh vực xăng dầu nhận được sự quan tâm của không ít nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã chứng khoán PLX) đã công bố nghị quyết HĐQT về việc chi trả cổ tức năm 2016.

Theo đó, năm 2016, Petrolimex đạt doanh thu thuần hợp nhất là 123.097 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng (tăng 68% so với năm 2015). ĐHCĐ đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm 2016 là 32,24% tương ứng cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu được nhận 3.224 đồng. Tổng số tiền đại gia xăng dầu chi cho đợt trả cổ tức bằng tiền mặt lần này khoảng 3.736 tỷ đồng cho 1,16 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Việc chi trả cổ tức sẽ diễn ra vào cuối tháng 8/2017.

Hiện, cổ đông Nhà nước tại Petrolimex hiện đang được đại diện bởi Bộ Công thương. Với tỷ lệ nắm giữ 75,87% vốn tại Petrolimex, tương ứng 982 triệu cổ phần, cổ đông Nhà nước sẽ thu trên 3.160 tỷ đồng.

Năm 2016, JX Nippon Oil & Energy đã bỏ ra khoảng 20 tỷ yên, tương đương 183 triệu USD để sở hữu 8% cổ phần của Petrolimex. Và với kế hoạch chi trả cổ tức mới đây của PLX, với 103.528.476 cổ phiếu trong tay, JX Nippon Oil & Energy sẽ nhận được khoản cổ tức khủng lên tới 333,7 tỷ đồng, tương đương khoảng 14,8 triệu USD. Với kết quả kinh doanh tốt đẹp của Petrolimex, ngay năm đầu tiên, JX Nippon Oil & Energy đã nhận được trái ngọt. 

Nhà đầu tư ngoại "lách" qua cửa hẹp như thế nào?

Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu khi tham gia WTO và 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhà đầu tư nước ngoài không được phép lập mạng lưới buôn bán xăng dầu của họ tại Việt Nam trừ các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam để phân phối sản phẩm của mình làm ra.

Tháng 4/2016, tập đoàn Idemitsu Kosan (doanh nghiệp xăng dầu Nhật Bản) tham gia làm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa, dự kiến sẽ có quyền tham gia phân phối xăng dầu khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động (dự kiến vào 2017). Để thực hiện phân phối xăng dầu, Idemitsu Kosan và Kuwait Petroleum International đã chính thức thành lập doanh nghiệp tại VN. Như vậy, về cơ bản, từ 2017 thị trường xăng dầu Việt Nam ngoài các doanh nghiệp xăng dầu đấu mối trong nước sẽ có sự tham gia của cả doanh nghiệp nước ngoài.

Trước đó,Tập đoàn Xăng dầu VN cũng đã ký kết văn bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược với tập đoàn JX Nippon Oil and Energy (Nhật Bản). Theo đó, hai bên khẳng định đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đệ trình cơ quan quản lý nhà nước để JX Nippon Oil and Energy trở thành đối tác chiến lược của Petrolimex thông qua việc phát hành tăng vốn.

Đặc biệt, JX Nippon Oil and Energy cũng thể hiện sẽ cùng Petrolimex liên doanh để triển khai dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong.

Hiện nay ba công ty xăng dầu là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro đang thống lĩnh khoảng 75% thị phần xăng dầu trên cả nước. Điều này có nghĩa thị trường xăng dầu hiện vẫn là “mảnh đất riêng” của các công ty Việt. Do vậy, với sự tham gia của đại gia lớn trên thế giới hy vọng có thể sẽ là cú hích tích cực cho thị trường xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, các DN cũng gặp trần giới hạn khi không thể gia tăng thị phần trên 50% theo Luật Cạnh tranh.

Đối với Petrolimex tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 20% nên cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài “thay da, đổi thịt” và tiếp tục mở rộng thị phần của Petrolimex không có nhiều. Bởi vậy, cơ hội để tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến từ những doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu còn lại.

Còn về phía Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn thứ hai trên thị trường với 22% thị phần trong phân phối bán lẻ xăng dầu trong nước - có rất nhiều dư địa để phát triển so với mức trần tối đa 50% thị phần quy định bởi Luật cạnh tranh và chống độc quyền. Hiện tại, PVOIL chưa có nhà đầu tư chiến lược và không có bất kỳ một ràng buộc với đối tác nào. Chính điều này làm nên sức hấp dẫn riêng của cổ phiếu PVOIL bởi “cánh cửa” vào thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam thông qua việc mua cổ phiếu PVOIL đang rộng mở với tất cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Dĩ nhiên, để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu thông qua PV Oil, họ còn cần thêm điều kiện đủ là có mua cổ phần của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn, nơi đang quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và cũng đang có kế hoạch cổ phần hoá ngay trong năm 2017 này.

Theo ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil, các nhà đầu tư nước ngoài rất thèm khát thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, bởi dư địa để phát triển còn rất lớn, nếu tính theo mức tiêu thụ xăng trên đầu người, cũng như khả năng phát triển của nền kinh tế. Số liệu từ thống kê nhập khẩu và Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cho thấy, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện chỉ khoảng 17 - 19 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 65% được nhập khẩu. Với quy định hiện hành về chi phí kinh doanh bình quân định mức cho xăng E5, E10: 1.250 đồng/lít; xăng không chì: 1.050 đồng/lít; dầu diesel, dầu hoả: 950 đồng/lít, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu nào có tỷ trọng bán đến tay người tiêu dùng lớn, thì lợi nhuận càng cao bởi không phải trích nhiều cho các đại lý.

Nguồn tin: Antt.vn

ĐỌC THÊM