Theo báo cáo tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), triển vọng giá dầu mỏ toàn cầu tăng vào năm 2018 không còn khả quan như những dự báo trước đó.
Nguồn cung dầu toàn cầu đã tăng 90.000 thùng/ngày vào tháng 9.
Báo cáo của IEA cho biết, các nước thành viên OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới không thuộc OPEC đều có xu hướng tăng sản lượng khai thác. Điều này đã làm sản lượng dự trữ dầu mỏ trên toàn cầu tăng trong khi nhu cầu về dầu mỏ của thế giới lại không có biểu hiện tăng trưởng.
Cán cân cung cầu mất cân bằng
Nhìn vào cán cân cung – cầu dầu năm 2018, IEA cho biết: “Dựa trên giả định là tổng sản lượng khai thác của OPEC không thay đổi và điều kiện thời tiết thuận lợi thì phải đến quý 3 năm 2018 cung – cầu dầu mỏ mới cân bằng.
Theo đó, IEA dự báo trong quý 1 năm 2018, các kho dự trữ sẽ ở mức 0,8 triệu thùng/ngày. Đồng thời, IEA dự kiến sản lượng khai thác dầu mỏ của các nước thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ độc lập sẽ có mức tăng sản lượng khai thác tương đương nhau.
Theo IEA, mặc dù cung- cầu mất cân bằng, nhưng một số thành viên OPEC kỳ vọng giá dầu sẽ sớm ổn định vào năm 2018 sau nhiều năm bị rớt giá do hậu quả từ việc khai thác dư thừa.
Còn nhớ, tháng 11/2016, các nước thành viên OPEC và các nước khai thác độc lập, trong đó có Nga, đã đồng ý một thoả thuận về việc hạn chế sản lượng khai thác dầu mỏ với nỗ lực vực dậy giá dầu đã bị giảm 50% giá trị tính từ mức 114 USD vào tháng 6/2014.
Trong buổi trao đổi với CNBC, ông Neil Atkinson, người chịu trách nhiệm về thị trường và ngành công nghiệp dầu mỏ cho biết: sự tái cân bằng cung cầu dầu mỏ đang diễn ra theo cách từ từ. Tuy nhiên, tốc độ này được đánh giá là chậm chạp hơn so với kỳ vọng của những thành viên OPEC. Do đó, giá dầu khó tăng mạnh trong năm 2018
86 % thành viên OPEC thực hiện nghiêm túc cam kết
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức dư thừa của các kho dự trữ dầu mỏ hiện tại cao hơn mức trung bình của 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất, các kho dự trữ dầu mỏ sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới trước những nỗ lực của các thành viên OPEC trong việc cắt giảm sản lượng. Theo OECD, đây là một hướng đi đúng đắn.
Ông Neil Atkinson cũng lưu ý rằng, năm 2018 có thể là một năm có những thách thức nhất định với OECD, tuy nhiên họ cũng kỳ vọng năm 2018 sẽ là một năm cân bằng của thị trường dầu mỏ.
IEA đồng ý với đề xuất của OEDC liên quan đến các giải pháp về đầu ra cho mặt hàng dầu mỏ và tiếp tục tăng cường kỉ cương trong việc cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp của OPEC sẽ diễn ra vào ngày 30/11 sắp tới tại Vienna .
Theo số liệu của IEA, tính đến thời điểm này, 86% các thành viên OPEC đã thực hiện một cách nghiêm túc cam kết cắt giảm sán lượng khai thác dầu. Trong tháng 9 vừa qua, sản lượng khai thác ở mức 32,65 triệu thùng/ ngày, giảm 400 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Và nguồn cung từ Libya và Iraq cũng tăng nhẹ bù đắp vào nguồn cung giảm từ Venezuela.
IEA vẫn giữ nguyên dự báo từ tháng trước về nhu cầu về dầu mỏ của toàn cầu. Cụ thể, trong năm 2017, nhu cầu toàn cầu sẽ tăng lên mức 1,6 triệu thùng/ngày và năm 2018 sẽ ở mức 1,4 triệu thùng/ngày.
Cơ sở để IEA đưa ra dự báo này là do nhu cầu quý 2/2017 đã tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước, nhưng chậm lại vào quý 3 do ảnh hưởng của siêu bão Harvey và Irma.
Trong khi đó, nguồn cung dầu toàn cầu đã tăng 90 nghìn thùng/ngày vào tháng 9 và đạt mức 97,5 triệu thùng/ngày do sản lượng của OPEC vẫn ổn đinh so với các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ.
Theo đó, các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC cũng có mức tăng dự kiến khoảng 0,7 triệu thùng/ngày và đến năm 2018 sẽ là 1,5 triệu thùng/ngày.
Nguồn tin: enternew.vn