Điều này đang dần hiện rõ khi thay vì giảm giá cho dân, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lại đua tăng chiết khấu để giành đại lý, tạo nguy cơ đẩy giá xăng dầu lên…
Từng trực tiếp điều hành xăng dầu khi còn là Thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Phan Thế Ruệ khẳng định cạnh tranh trong lĩnh vực xăng dầu hiện chưa vận hành theo đúng cơ chế thị trường.
Bất lợi cho dân?
* Thị trường xăng dầu đang có cạnh tranh khốc liệt. Cây xăng “bẻ kèo”, sơn lại cửa hiệu để theo đầu mối mới khá nhiều. Nhưng chủ yếu là cạnh tranh giành đại lý, người tiêu dùng ít được hưởng lợi?
Ông Phan Thế Ruệ: - Thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh theo đúng bản chất của kinh tế thị trường. Đúng ra, doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng giá, chất lượng để người tiêu dùng hưởng lợi.
Thế nhưng cạnh tranh hiện nay trên thị trường xăng dầu mới chủ yếu dừng lại ở việc cạnh tranh thị phần. Tức là các doanh nghiệp làm sao để bán ra được nhiều, có được nhiều đại lý.
Nếu cạnh tranh bằng cách tăng chi hoa hồng nhiều để giành giật đại lý, chi phí sẽ ngày càng bị đẩy cao lên, khiến giá bán lẻ cao. Thực tế, nếu có đơn vị đầu mối chiết khấu cho đại lý 1.050 đồng/lít thì sẽ có doanh nghiệp tăng lên mức 2.000/lít, hoặc 2.500/lít. Như vậy, giá bán lẻ sẽ chịu sức ép tăng. Cách làm này hoàn toàn bất lợi cho người dân, thị trường và chính cả doanh nghiệp, không phù hợp quy luật thị trường.
Hãy để thị trường quyết định giá
* Nhưng Nghị định 83 đã mở cho nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả doanh nghiệp tư nhân. Vậy tại sao thị trường vẫn chưa có tính cạnh tranh thực sự, thưa ông?
-Ưu điểm của Nghị định 83 là mở rộng nhiều thành phần kinh doanh xăng dầu. Hiện có 29 đầu mối, trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia, hàng trăm thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý và đại lý bán lẻ.
Nhưng Nhà nước vẫn quyết giá, dùng giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ. Doanh nghiệp chưa được quyết giá nên họ chủ yếu tập trung cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần.
Tôi cho rằng tới đây sửa Nghị định 83, nên xem giá cơ sở là khung giá, còn chi phí bao nhiêu thì nên để doanh nghiệp tự quyết định.
* Nhưng nếu để cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, có thể dẫn tới nguy cơ không kiểm soát được giá khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh?
-Hiện nay việc định giá không tạo ra sự cạnh tranh như tôi đã phân tích. Đúng hơn, phải để doanh nghiệp tính toán các yếu tố này, đưa ra mức chi phí bao nhiêu, thì phải dựa trên hoạt động của từng doanh nghiệp.
Cần sửa quy định
* Những bất cập trên liên quan chặt chẽ đến Nghị định 83/2014. Theo ông nên sửa quy định này thế nào?
-Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đã giúp thị trường xăng dầu tiếp cận thị trường hơn và tương đối phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, cần phải sửa đổi văn bản này cho phù hợp với quy luật thị trường.
Như chu kỳ điều chỉnh giá hiện nay là 15 ngày là không phù hợp. Giá xăng dầu biến động hàng ngày, ta 15 ngày mới tính nên giá tăng thì không được điều chỉnh, lúc đến kỳ thì giá lại xuống thì sẽ không phù hợp. Dẫn tới trong nước tăng thì bên ngoài giảm, bên ngoài giảm bên trong tăng, tạo bức xúc.
Quy định dự trữ lưu thông 30 ngày hiện nay cũng làm khó doanh nghiệp. Nếu cứ để trong kho 1 triệu tấn mà phải chịu lãi suất thì rất khó khăn, chưa kể hao hụt và sự cố. Chúng tôi đề nghị giảm 30 ngày xuống 15 ngày và chu kỳ điều chỉnh giá là 10 ngày.
Nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
* Khi để thị trường tự quyết định giá thì theo ông việc duy trì Quỹ bình ổn có còn phù hợp?
-Quỹ bình ổn giá xăng dầu mang đặc tính công cụ hành chính để can thiệp thị trường. Quỹ bình ổn phải tuân thủ theo các nguyên tắc của Nghị định 83, nghĩa là chỉ khi nào xăng dầu tăng trên 3% mới được trích quỹ bình ổn.
Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào thị trường, duy trì Quỹ bình ổn là dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường. Do đó, để điều hành xăng dầu về đúng quy luật thị trường, cần phải bỏ quỹ này đi.
Nguồn tin: Saigondautu