Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nguy cơ giảm giá đối với dầu là không thể phủ nhận

 

Đường cong lãi suất đảo ngược, nền kinh tế Đức đang thu hẹp, Brexit, hai cuộc chiến thương mại, thuế quan và hoạt động lọc dầu chậm lại ở Trung Quốc đều chỉ ra khả năng suy thoái. Ngay cả khi chúng ta giả định, như tôi chắc chắn hầu hết mọi người đều hy vọng, rằng mặc dù có những tín hiệu này nhưng không xảy ra suy thoái – thì tâm lý thị trường hiện tại chắc chắn là một nguyên nhân gây lo ngại cho các mặt hàng như dầu thô. Thị trường dầu có vẻ sẽ bi quan hoặc ít nhất là trong phạm vi hẹp trong thời gian còn lại của năm. Các lực kinh tế vĩ mô đang kết hợp với nhau theo cách mà một kịch bản tăng giá đối với dầu thô ngày càng khó để biện minh.

Việc đình chiến tại cuộc họp G20 gần đây ở Osaka giữa Mỹ và Trung Quốc đã được chứng minh là rất ngắn ngủi. Giá dầu lao dốc mạnh sau khi Trump công bố mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa bổ sung của Trung Quốc. Và mặc dù thông báo gần đây của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về việc trì hoãn các mức thuế này cho đến ngày 15 tháng 12 mang lại cho thị trường một số hy vọng, nhưng khó mà dẫn đến một bước đột phá trong cuộc chiến thương mại. Trên thực tế, việc trì hoãn này là để đảm bảo giá cả ổn định cho mùa lễ Giáng sinh và sau đó, nó sẽ được kinh doanh như bình thường. Chính Tổng thống Trump đã nói rõ rằng, bất chấp các cuộc đàm phán, nhưng ông chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận. Tình trạng bất ổn hiện tại ở Hồng Kông có khả năng làm cho mối quan hệ giữa hai nước thậm chí trở nên xa cách hơn nữa. Và càng làm cho vấn đề tồi tệ hơn đối với các thị trường dầu mỏ, đó là một cuộc chiến thương mại khác đang diễn ra ở Đông Á, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chiến tranh thương mại giữa Nhật Bản với Hàn Quốc có thể là một hiện tượng gần đây, nhưng căng thẳng giữa hai nước này đã có từ tận Thế chiến thứ hai. Trong chiến tranh, Nhật Bản đã bóc lột công nhân Hàn Quốc dưới hình thức lao động cưỡng bức, dẫn đến Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản bồi thường vì vi phạm nhân quyền và tổn thất thời chiến của nước này. Yêu sách này đã khiến Nhật Bản thắt chặt kiểm soát và thực hiện các hạn chế thương mại đối với Hàn Quốc - loại bỏ quốc gia này khỏi “danh sách trắng” của họ. Trong khi đó, Hàn Quốc bắt đầu xem xét việc dỡ bỏ tình trạng quốc gia thương mại ưu đãi của Nhật Bản và hạ cấp xuống. Rót thêm vào căng thẳng, Nhật Bản đã cáo buộc Hàn Quốc rò rỉ bí mật công nghệ cho Triều Tiên, mặc dù không có bằng chứng nào cho lời buộc tội đó. Những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại này, khi nó phát triển, có thể là sâu sắc đối với nền kinh tế toàn cầu. Lấy ví dụ Samsung và SK Hynix, chiếm 60% chip DRAM của thế giới, được sử dụng trong các thiết bị điện tử hàng ngày trên khắp thế giới. Cuộc chiến thương mại thứ hai này chắc chắn sẽ là tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, thêm vào một yếu tố giảm giá nữa để thị trường dầu mỏ phải đối mặt.

Mặc dù có nhiều dấu hiệu cảnh báo kinh tế đang lóe lên, như đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cho trái phiếu 10 năm thấp hơn mức lãi suất 2 năm, nhưng một số nhà phân tích lạc quan rằng chúng ta sẽ thấy sự lặp lại của năm 1960 - khi đường cong lãi suất đảo ngược nhưng suy thoái kinh tế tránh được. Đơn cử như, chúng ta có thể trải nghiệm một kịch bản mà Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất. Điều này sẽ dẫn đến đồng đô la mất giá, khiến các quốc gia khác mua dầu thô với giá cả phải chăng hơn và dẫn đến giá dầu thô lên cao hơn. Tuy nhiên, triển vọng lạc quan này dựa trên một giả định quan trọng - nhu cầu ổn định. Giả định nhu cầu ổn định còn lâu mới là một giả định hợp lý, khi mà cả IEA và EIA đều liên tục hạ ước tính nhu cầu của họ cho năm nay. Hai cuộc chiến thương mại và các mối quan ngại suy thoái sẽ chỉ làm trầm trọng thêm xu hướng giảm này và có khả năng các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đang chuẩn bị giảm lãi suất, bù đắp cho tác động của đồng đô la giảm và khiến giá dầu chịu áp lực.

Tất nhiên, một cuộc chiến ở Trung Đông sẽ làm mất hiệu lực nhiều phân tích ở trên. Nhưng chúng ta cũng có thể đánh giá tâm lý trong vấn đề đó. Tổng thống Trump đã nói một cách cụ thể rằng ông không muốn một cuộc chiến với Iran. Tuyên bố này đã được Muhammad Zarif, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, đáp lại, khi ông tuyên bố rằng “chúng tôi không muốn chiến tranh”. Trong khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông rất cao, thì dường như có rất ít sự hỗ trợ cho việc leo thang những căng thẳng đó thành một cuộc xung đột quân sự.

Trong tất cả những điều này, có rất ít yếu tố chỉ ra sự phục hồi cho giá dầu. Việc tồn kho giảm chỉ đang tạm thời đặt ra một mức sàn cho giá, nhưng trong bối cảnh cắt giảm kỷ lục của Saudi và nhu cầu giảm, các nguyên tắc cơ bản không có khả năng châm ngòi cho một đợt tăng giá sớm. Trung Quốc và Mỹ sẽ chỉ đạt được thỏa thuận trong cuộc chiến thương mại khi cả hai bên đồng ý thỏa hiệp, và không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ sớm xảy ra. Các trader dầu nên đặc biệt cẩn thận trong các thị trường hiện nay, vì tâm lý giảm giá đã chiếm lĩnh thị trường.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM