Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nguồn thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm

Bộ Tài chính cho biết, do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm, trong đó từ ASEAN năm 2017 giảm 97% so với năm 2016. 

Từ năm 2018, mức thuế nhập khẩu đối với dầu các loại theo Hiệp định AKFTA được điều chỉnh từ mức 5% về 0%. Ảnh: T.T.

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (thuế MFN) cho tất cả các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Theo đó, Việt Nam cam kết quy định mức thuế nhập khẩu trần (tối đa) là 40% đối với xăng. Mức thuế MFN theo quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành là 20% đối với xăng; 7% đối với dầu các loại.

Theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do trong nội khối ASEAN (Hiệp định ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (Hiệp định ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (Hiệp định AKFTA), Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu ưu đãi nhất đối với xăng là 10% (theo AKFTA); mức thuế nhập khẩu ưu đãi nhất đối với dầu các loại là 0% (theo ATIGA).

Từ năm 2018, mức thuế nhập khẩu đối với dầu các loại (trừ dầu mazut đang áp dụng mức 0%) theo Hiệp định AKFTA được điều chỉnh từ mức 5% về 0%.

Theo thống kê cho thấy, xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%). Do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do (chưa tính đến số thu giảm do chuyển từ thị trường nhập khẩu áp dụng mức thuế MFN sang thị trường áp dụng mức thuế ưu đãi đặc biệt), số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.

Số thu năm 2016 từ ASEAN là 5,8 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2015 (13,5 nghìn tỷ đồng); từ Trung Quốc là 898 tỷ đồng, giảm 76% so với năm 2015 (3.712 tỷ đồng). Năm 2017, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường này tiếp tục giảm, trong đó từ ASEAN giảm 97% so với năm 2016.

Để phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế, ứng phó với tình hình giá dầu thế giới biến động bất thường, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Như vậy, bên cạnh việc góp phần hạn chế việc sử dụng các hàng hóa gây ô nhiễm với môi trường, khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa thân thiện với môi trường (xăng E5, túi ni lông thân thiện với môi trường), việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường./.

Nguồn tin: thoibaotaichinhvietnam.vn

ĐỌC THÊM